Thị trường

Không dễ kiếm tiền từ shop thời trang

Không còn cảnh nhộn nhịp, đông đúc, người ra vô tấp nập, chen lấn thử đồ. Hàng loạt cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang giờ đây treo biển “sang shop”.

 Các shop thời trang mọc san sát nhau trên đường Nguyễn Trãi luôn trong tình trạng vắng khách - Ảnh: H.Khoa

 
"Quá khó cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang trong nước tìm cách tồn tại khi phải đối mặt với hàng giá rẻ, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kinh doanh qua mạng, hàng xách tay... ngày một phổ biến với mức độ chóng mặt"
Bà Đặng Quỳnh Đoan 
(Gám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Thy)
 
Đó là những shop trên các con đường được mệnh danh “con đường thời trang” của TP.HCM như Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi...
 
Theo giới kinh doanh, thắng - thua trong kinh doanh ngành hàng này không còn được tính theo tiêu chí bán được bao nhiêu hàng. Thay vào đó là nhìn vào thời gian... tồn tại của một cửa hàng được mở ra trong bao lâu.
 
Ngáp dài chờ khách
 
Gần quá trưa nhưng shop thời trang Brano trên đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) vẫn không có một bóng người ra vào ngoài hai nhân viên bán hàng.
 
Mở cửa từ 8g nhưng đến hơn 11g, theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn không thấy một ai đến mua hàng, dù giá bán ở đây khá bình dân chỉ 120.000-200.000 đồng cho mặt hàng quần, 70.000-100.000 đồng cho áo thun các loại.
 
Sát bên cạnh Brano, một miếng đất trống có diện tích khá rộng, được giăng mấy tấm bạt che để treo hàng loạt quần jean, áo thun, quần short, áo sơmi trên từng thanh sắt dài dã chiến của một... shop không tên cũng vắng lặng.
 
Anh Lê Việt, chủ shop dã chiến này, cho biết đã kinh doanh ở khu vực này được hai năm “vì thất nghiệp, không có gì làm nên mới đi bán áo quần”. Xác định khu vực đang kinh doanh phần lớn là công nhân lao động, có thu nhập không cao nên anh Việt chỉ chọn bán mặt hàng áo thun có giá 100.000 đồng/chiếc và khoảng 150.000 đồng/quần.
 
“Ế ẩm lắm, tháng nào đủ tiền thuê mặt bằng 8 triệu đồng là mừng hết lớn. Thời điểm này ai cũng ráng đeo để chờ dịp lễ, tết gỡ lại, nhưng càng ngày càng thấy khó” - anh Việt thừa nhận.
 
Đó là những phố thời trang khu vực ngoại thành, còn phố thời trang ở khu vực trung tâm với số lượng shop thời trang mở đặc kín, san sát nhau như: Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu... tình hình đìu hiu còn thê thảm hơn.
 
Chị Thúy Anh, chủ shop AM (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3), cho biết tình cảnh ế ẩm của giới kinh doanh quần áo đã diễn ra 2-3 năm gần đây.
 
“Nhưng năm nay có lẽ là đỉnh điểm nhất khi việc không có khách diễn ra liên tục với tần suất kéo dài. Shop của tôi cả tháng nay chỉ bán được hai áo đầm, vài áo thun... Với số lượng này lấy gì bù cho tiền thuê mặt bằng 15 triệu đồng/tháng, tiền trả cho nhân viên phụ 4 triệu đồng/tháng?” - chị Thúy Anh giọng rầu rĩ.
 
Kinh doanh thời trang ngày càng khó khăn khiến không ít chủ đầu tư buộc phải sang shop - Ảnh: H.Khoa
 
Đồng loạt “sang shop”
 
Sức mua quá thấp khiến những bảng treo “sang shop” ngày một xuất hiện nhiều dần trên những cung đường này. Ký hợp đồng thuê nhà trọn năm nhưng mới đến tháng thứ tám, chị T.P. - chủ shop thời trang N (đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận) - đã chịu hết xiết và tìm cách sang lại.
 
Với mức sang lại cả hàng hóa và tiền mặt bằng gần 80 triệu đồng, chị T.P. chấp nhận lỗ 50%. “Tôi đã lỗ hơn 50% vốn bỏ ra chỉ trong vòng tám tháng. Một con số quá bất ngờ so với suy nghĩ ban đầu khi nhảy vào làm” - chị T.P. tâm sự.
 
Chị N., chủ shop cùng tên trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), cũng đang để bảng “sang shop” với mức giá 250 triệu đồng (còn thương lượng) cho hàng hóa lẫn mặt bằng.
 
“Hợp đồng đến tháng 7-2015 mới hết hạn. Nếu muốn sang không có hàng tôi tính khoảng 200 triệu đồng vì chi phí sửa chữa mặt bằng rất lớn” - chị N. phân trần. Shop của chị N. sáng sủa với diện tích 4x7m nằm ngay mặt tiền con đường sầm uất đang được thuê với 10 triệu đồng/tháng tiền mặt bằng. Thế nhưng, sức mua quá thấp thời gian qua đã khiến chị không còn kiên nhẫn “bám trụ” tại đây.
 
Không chỉ các shop thời trang tư nhân mới lâm vào cảnh “sống dở chết dở”. Rất nhiều thương hiệu của những nhà sản xuất hàng thời trang có tên tuổi trong nước cũng lặng lẽ buông mặt bằng dù đã nỗ lực duy trì trong một thời gian dài.
 
Đại diện thương hiệu Blue Exchange xác nhận đã đóng cửa năm điểm bán trên địa bàn TP.HCM từ đầu năm đến nay. “Dù chúng tôi vẫn mở mới điểm bán trong các trung tâm thương mại, nhưng nếu xét về độ nhận diện trên đường phố thì rõ ràng chúng tôi đang có ít dần đi” - vị đại diện này xác nhận.
 
Thương hiệu Việt Thy của Công ty TNHH thời trang Việt Thy hiện cũng chỉ còn 10 shop so với mấy chục điểm bán đã có trước đây.
 
“Chúng tôi chấp nhận đóng cửa những điểm bán không thể mang lại hiệu quả cao và chỉ tập trung, chăm chút cho những điểm vẫn còn lợi thế cạnh tranh. Nhưng sức cạnh tranh hiện tại nếu so với nhiều năm trước đây thật sự khó khăn hơn rất nhiều” - bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Việt Thy, thừa nhận.
 
Các cửa hiệu thời trang trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM ế khách - Ảnh: Hữu Khoa
 
“Cụt vốn” trong thời gian ngắn
 
Theo chị Phan Thùy - người từng làm chủ shop thời trang N trên đường Huỳnh Văn Bánh, để mở một shop thời trang bình dân thì đầu tư tiệm đơn giản, còn bán hàng có giá trị cao thì đầu tư cửa tiệm sang trọng, bắt mắt.
 
“Tùy theo từng khu vực, diện tích mặt bằng, phân khúc sản phẩm muốn bán là hàng công sở, hàng trẻ em, hàng cho giới trẻ, cần phải có ít nhất trên 100 triệu đồng mới... được phép nghĩ tới chuyện mở shop” - chị Thùy cho hay.
 
Giới kinh doanh thời trang cho biết hầu hết nguồn hàng “rót” cho các shop hiện nay đến từ chợ An Đông, chợ Tân Bình, hàng “đánh” từ Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và các cơ sở may gia công nhỏ lẻ trong nước.
 
“Ngoài sự khác biệt về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nguồn hàng được “đánh” từ đâu cũng hết sức quan trọng” - chị Kim Phụng, chủ shop thời trang TA (đường Nguyễn Trãi), phân tích. Theo chị Kim Phụng, xu hướng “đánh” hàng của các shop cũng rất đa dạng. Người có tiềm lực tài chính mạnh, phân khúc đánh vào giới có tiền thì thường chọn cách qua tận Trung Quốc xem mẫu, đặt hàng và “bao lô” độc quyền mẫu mã trong một thời điểm nào đó.
 
“Những nhóm này thường đặt các loại thương hiệu quốc tế nổi tiếng. Chỉ cần qua tới nơi chọn mẫu, sau đó về VN sẽ có người chở tận tới shop” - chị Phụng tiết lộ.
 
Với cách này, đương nhiên giá bán sẽ cao vì chi phí đi lại, trả mẫu độc quyền cho nhà sản xuất bên Trung Quốc đều được tính vào giá thành. Với những người chọn bán hàng phân khúc trung bình khá trở xuống, nguồn cung từ Campuchia, Trung Quốc hoặc từ các cơ sở may trong nước, trong đó đầu mối cung ứng tập trung phần lớn ở chợ An Đông.
 
Tuy nhiên, mở được shop rồi mới thấy “chua” bởi sức cạnh tranh ngày một gay gắt giữa các hộ kinh doanh với nhau. Phần lớn chủ shop chúng tôi tiếp xúc đều cho hay các hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian dài vừa qua chỉ mang yếu tố cầm chừng. Do hầu hết hợp đồng thuê mặt bằng đều ký trên một năm và đều được đầu tư sửa chữa cho bắt mắt nên khi đã “nhảy” vô rồi cũng khó lòng “thoát” ra sớm. 
 
 

Sản phẩm na ná nhau

 
Lý giải về nguyên nhân nhiều cửa hàng thời trang ế ẩm, chị Kim Phụng - chủ shop thời trang TA (đường Nguyễn Trãi) - cho rằng ngoài yếu tố sức mua kém là việc thị trường bị bội thực do sản phẩm na ná nhau, cộng thêm sự nở rộ quá mức của loại hình kinh doanh này trên nhiều phương tiện khác khiến người tiêu dùng khó lòng trung thành với bất kỳ thương hiệu hoặc cửa hiệu nào.
Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo