Thị trường

Không dễ mang chuông đánh xứ chùa Vàng

Thị trường Myanmar là hấp dẫn, nhưng cũng có những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự am hiểu và chuẩn bị kỹ càng của nhà đầu tư Việt Nam trước khi vào cuộc.

Thông tin Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã CK: DHG) quyết định dừng đầu tư xây nhà máy mới tại Myanmar do gặp phải một số khó khăn và rủi ro cao đang được dư luận quan tâm. Theo nhận định của một số doanh nghiệp, mảnh đất đầu tư màu mỡ còn sót lại của khu vực Đông Nam Á chưa hẳn đã “màu mỡ’” như nhiều người nghĩ.

Chuyện của Dược Hậu Giang

Từ năm 2013, DHG đã theo đuổi kế hoạch đầu tư lớn vào Myanmar khi được Công ty cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt (ASV Pharma Việt Nam) mời tham gia dự án của họ. DHG dự kiến bỏ ra 91 tỷ đồng mua 72% cổ phần của ASV Pharma Việt Nam, doanh nghiệp sở hữu giấy phép liên doanh với Công ty MEIG của Myanmar để đầu tư nhà máy ASV Pharma Myanmar.

Với 65 triệu dân, tiềm năng của thị trường Myanmar rất lớn. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh tại đây cũng rất khốc liệt vì thuốc giá rẻ nhập lậu từ Ấn Độ, Bangladesh… tràn ngập thị trường. Nếu chỉ xuất khẩu thuốc đơn thuần, DHG không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ tại Myanmar.

Tham gia đầu tư nhà máy sản xuất thuốc tại Myanmar, DHG sẽ có được lợi thế hơn hẳn. Tuy nhiên, khi mọi thủ tục đang bước vào giai đoạn cuối cùng, luật sư các đối tác Mỹ của DHG tại Myanmar cho biết, MEIG là công ty con của Zaykabar, hiện nằm trong danh sách những công ty vẫn đang bị Hoa Kỳ cấm vận.

Đại diện DHG còn cho biết, nhiều vấn đề rủi ro khác như dự án của ASV Pharma Myanmar phải xin thay đổi hoặc kéo dài hiệu lực giấy phép đầu tư do dự án đã kéo dài và thay đổi thành phần tham gia. Ngoài ra, DHG cũng chưa thực sự yên tâm về vấn đề vay ưu đãi đầu tư (lãi suất và thời gian được ưu đãi) từ Ngân hàng BIDV.

Trong khi đó, luật pháp Myanmar về vấn đề chuyển lợi nhuận, cổ tức… về Việt Nam hiện cũng chưa rõ ràng. Nếu DHG mạo hiểm đầu tư vào ASV Pharma Myanmar, rất có thể họ sẽ gặp nhiều bất lợi. Ngoài việc phải đầu tư một khoản tiền lớn, sự hợp tác giữa DHG với các nhà cung cấp nguyên liệu của Mỹ (hiện DHG nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Mỹ) có thể bị sứt mẻ.

Theo một thành viên của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar, rủi ro từ cấm vận là một trong những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu. Cho dù một số nước phương Tây đã dỡ bỏ lệnh này với Myanmar, nhưng Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn duy trì lệnh cấm vận. Nếu doanh nghiệp Việt có quan hệ hợp tác với những đối tác nằm trong danh sách bị cấm vận của Mỹ, tài sản có thể bị phong tỏa hoặc ảnh hưởng đến các hợp đồng kinh tế liên quan tới doanh nghiệp Mỹ…

Sự may mắn của FPT và Simco

FPT đã mở chi nhánh tại Myanmar và đã có những hợp đồng đầu tiên. Tuy nhiên, hành trình không hề đơn giản. Theo một lãnh đạo FPT, khó nhất là nắm bắt và thông hiểu luật lệ ở Myanmar. “Tại Việt Nam, hai doanh nghiệp cho nhau vay tiền là chuyện bình thường, nhưng ở Myanmar chưa chắc đã được chấp nhận”, ông ví dụ.

Thông thường các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar phải xin giấy phép theo Luật Đầu tư nước ngoài, còn theo Luật doanh nghiệp trong nước (Local company act) của nước này thì hầu như doanh nghiệp nước ngoài không thể xin được giấy phép. Không hẳn Myanmar đang mời gọi đầu tư nước ngoài thì việc thành lập doanh nghiệp tại đây dễ dàng.

Chính quyền nước này ban đầu chỉ cấp giấy phép tạm thời 1 năm, trong thời gian đó họ sẽ xem xét nhà đầu tư có thực hiện đúng những gì đã cam kết không, sau đó mới tính đến việc cấp giấy phép đầu tư chính thức.

Để “cắm rễ” được tại Myanmar, FPT may mắn được đối tác địa phương trợ giúp mọi vấn đề về luật lệ và hỗ trợ xử lý các tình huống phát sinh ngoài kế hoạch. Điều này đặc biệt quan trọng vì Myanmar rất coi trọng uy tín của những đối tác bản địa bảo lãnh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không có sự đảm bảo của doanh nghiệp Myanmar, FPT khó có thể thực hiện được nhiều công việc như thời gian qua.

Lãnh đạo FPT cũng cho biết, trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ tin học, không dễ để được Myanmar lựa chọn làm nhà thầu. Họ rất đề cao tính cạnh tranh. Ở các hợp đồng quy mô vừa trong lĩnh vực viễn thông, bao giờ họ cũng chọn hai đối tác trúng thầu chứ không tạo ra thế độc quyền cho một nhà thầu.

Trong khi đó, các nhà đầu tư khu vực như: Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… cũng coi Myanmar là thị trường giàu tiềm năng nên cũng ào ạt đổ bộ vào đây tìm cơ hội đầu tư. Vì thế, cạnh tranh giữa các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar là vô cùng khốc liệt. Doanh nghiệp phải có các phương án đầu tư lâu dài nếu muốn trụ vững tại đây.

Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Đà (Simco) đã phải mất tới 4 năm với Dự án khai thác mỏ đá trắng tại Myanmar mới có thể có những sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường. Ông Chu Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Simco cho biết, công ty có thuận lợi là một trong hai doanh nghiệp có dự án được đưa vào Tuyên bố chung giữa hai nhà nước Việt Nam – Myanmar, bởi vậy được các cơ quan, bộ, ngành hai nước ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều mới triển khai dự án theo đúng kế hoạch.

Simco còn rất may mắn khi có nhiều người bạn Myanmar nhiệt tình, trong đó có một luật sư và một kiểm toán viên nhà nước đã nghỉ hưu. Uy tín cá nhân của những người bạn này rất quan trọng và giới thiệu của họ trong nhiều trường hợp rất có giá trị, tác động lớn đến quá trình giải quyết các thủ tục Simco phải thực hiện tại Myanmar.

Ông Tuấn còn nhấn mạnh rằng, để đầu tư sang Myanmar, doanh nghiệp Việt Nam phải có thực lực. Trong đó, yếu tố tài chính và hoạt động bài bản đóng vai trò quyết định. Lấy ví dụ, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư vào những nước có đường biên giới chung với Việt Nam thì doanh nghiệp được phép thế chấp tài sản, dự án hình thành từ vốn vay.

Song với những nước như Myanmar, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phải có vốn đối ứng. Trong khi đó, tại Myanmar không có chuyện doanh nghiệp được phép khất lần nghĩa vụ đối với nhà nước.

Đúng ngày quy định, doanh nghiệp không nộp thuế sẽ phải giải trình với ủy ban đầu tư địa phương. Nếu không giải trình hoặc giải trình không được chấp nhận, chính quyền Myanmar sẽ thu hồi ngay giấy phép đầu tư và hủy bỏ dự án.

Với Simco, các sản phẩm đá khai thác tại đây đều được xuất khẩu. Chỉ riêng chuyện thu thuế xuất khẩu khoáng sản phía Myanmar cũng làm rất chặt chẽ. Ông Tuấn kể, dựa trên khai báo của doanh nghiệp và thực tế thị trường, họ áp một mức giá đầu ra cho sản phẩm và quy định luôn mức thuế phải nộp.

Doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi xuất hàng ra khỏi Myanmar chứ không được nợ thuế. Quy định chặt chẽ như vậy nên doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải thực hiện các hợp đồng rất chặt chẽ, có chứng thư tín dụng đầy đủ, thanh toán trước, đảm bảo tiền về tài khoản của doanh nghiệp sẽ được trích luôn tiền thuế trước khi xuất hàng.

Myanmar được các doanh nhân Việt ví như cô gái đẹp khó chinh phục do có những thử thách mà doanh nghiệp phải vượt qua. Nói như vậy không có nghĩa thị trường này toàn những rào cản.

Cũng có những thuận lợi được nhắc đến như người dân bản địa rất quý người Việt Nam và có nhiều tính cách giống với người Việt Nam. Thị trường sơ khai nên chưa đòi hỏi những dịch vụ kỹ thuật cao… Bởi vậy, dù ngưng kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy dược phẩm mới tại Myanmar, DHG vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống phân phối và hoạt động marketing trong năm 2015.

Rất có thể, trong quá trình hợp tác với Dược Hậu Giang, một nhà phân phối Myanmar sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy để nhận chuyển giao công nghệ từ DHG. Cơ hội tại đất nước chùa Vàng còn nhiều với những doanh nghiệp xác định đầu tư bài bản và có sự chuẩn bị một cách kỹ càng.

Theo Doanh nhân SG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo