Xã hội

Không để tư nhân “núp bóng” báo chí

Mặc dù Bộ TT&TT đã liên tục nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động liên kết nhưng thời gian qua, không ít đài phát thanh, truyền hình vẫn chấp nhận vi phạm các quy định để đáp ứng thời hạn phát sóng của đối tác liên kết theo hợp đồng đã ký. Thậm chí một số chương trình chưa được Bộ TT&TT cấp chứng nhận.

 Yêu cầu VTV phải gương mẫu

 

Ngày 25/11/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có Văn bản số 3453/BTTTT-TCCB báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh vấn đề VTV liên tục mắc những sai phạm về nội dung chương trình phát sóng, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Bộ TT&TT cho biết, sẽ chủ động hơn nữa trong công tác chỉ đạo, nắm tình hình, theo dõi, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.
 
Một cảnh trong chương trình “Vua đầu bếp”.
 
Tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 1/4 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, từ khi có Thông tư 19/2009/TT-BTTTT của Bộ TT&TT về liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình đến nay, nhiều đài đã có hành lang pháp lý để hoạt động liên kết, riêng VTV được cấp 168 giấy chứng nhận liên kết. Từ năm 2013 đến nay, VTV được cấp 118 giấy chứng nhận liên kết, riêng trong đầu năm 2015 được cấp 5 giấy. Điều này cho thấy, Bộ đã tạo điều kiện thông thoáng trong hoạt động liên kết nhưng vừa qua, VTV có một số sai phạm như chưa có giấy phép đã phát sóng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, VTV phải có báo cáo giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí về các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động liên kết.
 
Với vai trò theo dõi, chỉ đạo đối với VTV (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 10/1/2008), Bộ TT&TT nhấn mạnh: “VTV với vị thế là Đài Truyền hình quốc gia, cần gương mẫu trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về báo chí. Bộ TT&TT sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ hơn và căn cứ mức độ sai phạm để có biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.
 
Sẽ quản chặt hơn
 
Thực tế thời gian qua, nhiều chương trình liên kết chỉ tập trung vào một số ít đối tác và phần lớn mua lại “format” của nước ngoài, trong khi việc Việt hóa lại rất hạn chế, rất ít chương trình được sản xuất theo kịch bản trong nước. Đây là biểu hiện khá rõ nét thực trạng đối tác đang nắm quyền chi phối hoạt động liên kết.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, Thông tư 19/2009/TT-BTTTT của Bộ về liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình là đúng quy định pháp luật, hiện đang có hiệu lực.Thông tư này xuất phát từ kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo 41 ngày 11/10/2006 về việc lập lại trật tự trong hoạt động báo chí: Báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội. Vấn đề tự chủ tài chính cần cân nhắc cho phù hợp nhiệm vụ thông tin truyên truyền với thông tin giải trí, thương mại…
 
Các cơ quan chủ lực như VTV, TTXVN, VOV phải làm tốt nhiệm vụ chính. Chính phủ nghiên cứu quy định tự chủ tài chính đối với một số báo còn lại theo hướng Nhà nước không bao cấp hết, khuyến khích các cơ quan làm tốt, lành mạnh tự chủ tài chính nhưng không buông lỏng quản lý. VOV, VTV cần quản lý thống nhất chặt chẽ các khâu sản xuất chương trình phát sóng bảo đảm nhiệm vụ chính trị và thực hiện theo các quy định của pháp luật. Thông báo kết luận ngày 18/11/2014 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ định hướng là không có báo chí tư nhân nhưng trong hoạt động báo chí có liên kết với tư nhân thì phải định hướng, chỉ đạo, quản lý, đây là vấn đề rất quan trọng phải làm rõ.
 
Với tinh thần này, Bộ TT&TT cho biết, sắp tới, Thông tư 19 sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các đài sản xuất các chương trình phong phú hơn nhưng chặt chẽ hơn.
 
Theo Kinh tế và Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo