(DNVN) - Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp địa phương bày tỏ sự khó hiểu, thậm chí là lo lắng khi Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không được ghi tên trong dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bản dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cuối cùng được trình Quốc hội và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào 12/6 tới đây. Các Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương cơ bản đồng tình với những điều khoản trong Luật, tuy nhiên, có điều khó hiểu là vì sao Luật lại không định danh tên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong khi đơn vị này là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông rất đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về việc dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải định danh Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong trách nhiệm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp đang rất kỳ vọng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua.
Ông Quý một lần nữa nhắc lại thắc mắc của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân: "Tại Khoản 3, Điều 14 của dự thảo luật có đề cập đến vai trò trách nhiệm cụ thể của Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là những tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại không được định danh trong trách nhiệm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa".
"Thật khó hiểu, một cơ quan Trung ương, một tổ chức đại diện cho 97% doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại không được ghi tên trong Luật hỗ trợ những doanh nghiệp thành viên của mình. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thắc mắc về việc này và tôi nghĩ cơ quan ban hành Luật cũng cần lắng nghe", ông Quý bức xúc.
Trong khi đó, nói về kỳ vọng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi ra đời, ông Quý cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp thành viên trong tỉnh rất vui mừng và đã nghiên cứu dự án Luật rất kỹ và cũng có những góp ý rất thẳng thắn.
"Cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất vui mừng và phấn khởi nhận thấy Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã quan tâm đúng mức về đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có luật để bảo đảm tính pháp lý cho việc hỗ trợ", ông Quý nói.
Cũng theo ông Quý, đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay giải quyết việc làm cho người lao động chiếm trên 70% nguồn lao động của cả nước ở khu vực doanh nghiệp. Đóng góp cho ngân sách rất lớn, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, an sinh trật tự xã hội và sự phát triển bền vững của kinh tế, xã hội đất nước ta. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại yếu thế cạnh tranh trong cơ chế thị trường về vốn và công nghệ, nguồn lực xã hội hiện chỉ được giao quản lý và tập trung ở những doanh nghiệp mạnh (lớn) nên doanh nghiệp nhỏ và vừa càng thêm khó khăn.
Vị lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, thời gian qua, có ý kiến của một số người không thấu hiểu căn cơ về đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đã phản bác việc ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Chúng tôi có nhận được ý kiến và điện thoại của một số doanh nghiệp trong tỉnh cho rằng nhận thức như vậy là rất yếu kém, không thấy hết tầm quan trọng của sự cần thiết phải ban hành Luật này để tạo tiền đề cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và kinh tế xã hội của đất nước nói chung", ông Quý nói.
"Cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng thiết tha kính đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật này để giúp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có điều kiện vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế thế giới, góp phần vào xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời, cần ghi rõ, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam", ông Quý nhấn mạnh.