Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có vai trò rất lớn với doanh nghiệp
Đây là nhận định của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội trong cuộc trao đổi với PV Doanh Nghiệp Việt Nam trước những ý kiến cho rằng cần nêu rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
Cụ thể, theo ông Mạc Quốc Anh, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần quy đinh rõ vài trò, chức năng của tổ chức kinh tế, xã hội mà ở đây là Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để đứng ra đòi hỏi quyền lợi, lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh thành.
Bởi, theo ông Mạc Quốc Anh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là nơi để tổ chức kết nối, ghi nhận các khó khăn từ các Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương. "Nó như là một đầu mối để cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội được đối thoại với cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi không thể nào mà Hiệp hội doanh nghiệp của 55 tỉnh thành báo cáo các vấn đề với cơ quan Nhà nước được", ông Quốc Anh phân tích.
Ông Mai Quốc Anh cũng cho rằng, khi tiếp nhận các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, một đơn vị đại diện như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ là cơ quan tiếp nhận rồi sau đó tổ chức phổ biến, như vậy sẽ bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn có vai trò liên kết hợp tác quốc tế. Vì ở các nước cũng đều có các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ phát triển tương đối mạnh. Khi Hiệp hội Trung ương nhận được trách nhiệm từ phía cơ quan Nhà nước thì phía đối tác sẽ tin tưởng, có những mô hình, phối hợp liên kết với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
"Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là tổ chức lớn, uy tín và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mà hiện có tới 97% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, việc Luật giao trách nhiệm cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là rất cần thiết và hợp lý", lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận định.
Vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) trên nghị trường Quốc hội cho rằng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là những tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vì vậy, Hiệp hội cần phải được định danh trong trách nhiệm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tránh cào bằng, chung chung với các Hiệp hội ngành nghề khác.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Mai Quốc Anh cho rằng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần phải được định danh trong trách nhiệm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi khi làm gì thì cũng phải có một đơn vị chịu trách nhiệm, và phải được ghi rõ ở trong Luật. Khi Luật quy định chung chung quá đôi khi lại thêm nhiều thủ tục và khi đó chính sách, ưu đãi đến với doanh nghiệp lại rất chậm, khó đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp.
"Sau khi có Luật lại phải có thêm các Nghị định, Thông tư hướng dẫn giao cho ông nọ ông kia thì lại ra một văn bản pháp lý nữa, việc này lại mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, tên Luật là Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tất nhiên tổ chức Hiệp hội đại diện cho phần lớn doanh nghiệp Việt Nam như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải có vai trò trong Luật", ông Mai Quốc Anh dẫn chứng.
Vị này cũng cho biết, hiện nay, các tổ chức Hiệp hội trên thế giới đang phát triển rất mạnh, họ là tổ chức kinh tế đối lập với các cơ quan Nhà nước để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc định danh vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ở trong Luật là một việc cần thiết, khi đó Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ ghi nhận các hoạt động của Hiệp hội có vai trò quan trọng, là cánh tay nối dài, là bệ đỡ cho các doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp lắm lúc họ không dám đứng lên đấu tranh thì họ phải thông qua tổ chức Hiệp hội để đại diện quyền lợi, đại diện tiếng nói của mình trước Quốc hội, trước cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, khi Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được định danh rõ ràng trong Luật, thì doanh nghiệp họ sẽ tự tin khi thấy có được một tổ chức uy tín đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Hơn nữa, mỗi một doanh nghiệp đều có khó khăn riêng, Hiệp hội là nơi tập hợp những khó khăn, những cái chung nhất để báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước", Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội bày tỏ.
Ngày 23/5 vừa qua, tại phiên thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước Nghị trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân cho rằng, trong hơn 10 năm qua, hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới gồm 55 Hiệp hội doanh nghiệp địa phương các tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được triển khai xuống cơ sở thông qua cầu nối là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được kịp thời nhất quán. Trong quá trình xây dựng dự án luật, Hiệp hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức nhiều hội thảo hội nghị xin ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu đều tha thiết đề nghị cần phải định danh tên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong Luật. Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, việc quy định trách nhiệm của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề trong tên điều luật chỉ làm tốt hơn đối với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời sẽ làm rõ trách nhiệm chính và cụ thể cho 2 tổ chức nêu trên và không làm ảnh hưởng đến vai trò của các hiệp hội ngành nghề khác. Góp ý thêm, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho biết, tại Khoản 3, Điều 14 của Dự án Luật có đề cập đến vai trò trách nhiệm cụ thể của Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là những tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại không được định danh trong trách nhiệm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng đây là luật khung về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ luật khung chuyển sang triển khai hỗ trợ cụ thể là cả một chặng đường khó khăn và phức tạp, nếu không nêu trách nhiệm cụ thể cho những hiệp hội cụ thể sẽ gây khó khăn cho việc nắm bắt các đầu mối triển khai và sẽ trở lại tình trạng chung chung, không có ai chịu trách nhiệm. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo