Pháp luật

Không đủ cấu thành tội chiếm đoạt tài sản trong vụ án Bùi Đắc Thực

Hành vi nhận 500 triệu đồng của bị cáo Bùi Đắc Thực trong vụ án này nằm trong một giao dịch dân sự, cụ thể là Hợp đồng Dịch vụ không hủy ngang (gọi tắt là hợp đồng) ký kết giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 34 (gọi tắt là Công ty 34) với Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội (gọi tắt là Công ty Kinh doanh nhà) ngày 17/1/2014.

Hành vi nhận 500 triệu đồng của bị cáo Bùi Đắc Thực trong vụ án này nằm trong một giao dịch dân sự, cụ thể là Hợp đồng Dịch vụ không hủy ngang (gọi tắt là hợp đồng) ký kết giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 34 (gọi tắt là Công ty 34) với Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội (gọi tắt là Công ty Kinh doanh nhà) ngày 17/1/2014. Đây là hai doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp; công việc được nêu trong hợp đồng phù hợp với ngành nghề hai doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan nhà nước; những người ký kết hợp đồng là đại diện theo pháp luật của hai doanh nghiệp.

Về mặt khoa học, bốn yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: Chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan. Song, trong vụ án lừa đạo chiếm đoạt tài sản mà bị cáo Thực bị kết án tại phiên tòa sơ thẩm, thì về mặt chủ quan, bị cáo Thực không có ý định chiếm đoạt, thể hiện ở ba mặt sau:

Bị cáo Thực nhận 500 triệu đồng của Công ty 34 thông qua hợp đồng. Khi hợp đồng không thành công, giữa Công ty 34 và Công ty Kinh doanh nhà chưa thanh lý hợp đồng, và giữa hai doanh nghiệp lại có tiếp công việc hợp tác làm ăn mới với nhau. Chỉ đến khi Công ty 34 có thay đổi nhân sự chủ chốt, phía Công ty 34 mới ráo riết yêu cầu, đốc thúc bị cáo Thực phải hoàn trả tiền. Trên thực tế, bị cáo Thực chưa bao giờ từ chối thanh toán khoản tiền đặt cọc hợp đồng, hoặc bỏ trốn để không phải thực hiện nghĩa vụ trả lại khoản tiền này.

Cho đến khi Cơ quan điều tra vào cuộc, bị cáo Thực đã hoàn trả cho Công ty 34 được 150 triệu đồng. Trước khi bị khởi tố, bị cáo Thực đã hoàn trả tiếp cho Công ty 34 được 230 triệu đồng nữa, thông qua Cơ quan điều tra. Sau khi bị khởi tố, bị cáo Thực trả tiếp cho Công ty 34 thêm 120 triệu đồng, lần này trả trực tiếp cho Công ty 34 mà không thông qua Cơ quan điều tra.

Công ty 34 cũng nhận thức rất rõ bị cáo Thực không thể chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng mà chỉ có thể chậm trả, điều này thể hiện ở ba tình tiết. Thứ nhất, khi gặp ông Trương Quốc Dũng và nghe ông Dũng hỏi sao chưa tìm hiểu kỹ đã chuyển tiền cho Thực, ông Nguyễn Thành Long phía Công ty 34 nói: Đôi bên doanh nghiệp đã ký hợp đồng, nếu không làm được việc thì doanh nghiệp của ông Thực sẽ phải hoàn trả tiền. Thứ hai, sau khi công việc môi giới ở Phú Thọ không thành công, Công ty 34 vẫn tiếp tục hợp tác với Công ty Kinh doanh nhà trong một công việc khác ở Đồng Nai. Thứ ba, khi gửi đơn tố cáo tới Cơ quan điều tra, Công ty 34 không tố cáo ông Thực, mà chỉ tố cáo ông Trần Quang Lâm.

Cấp tòa sơ thẩm cho rằng, có hai tình tiết chứng minh hành vi của bị cáo Thực có yếu tố gian dối. Tình tiết thứ nhất là dự án “Duy tu, sửa chữa nền, mặt đường bộ quốc lộ 32 và quốc lộ 70 tỉnh Phú Thọ” mà bị cáo Thực đứng ra môi giới cho Công ty 34 là không có thật. Tình tiết thứ hai, giả sử dự án này có thật nhưng bị cáo Thực không có khả năng giúp được Công ty 34 trúng thầu dự án này mà vẫn đứng ra môi giới.

Sự thực khi ký hợp đồng với Công ty 34, bị cáo Bùi Đắc Thực không có ý gian dối và không có ý chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng. Số tiền 500 triệu đồng bị cáo Thực nhận của Công ty 34 không phải là tiền thanh toán hợp đồng, mà là tiền “đặt cọc”. Việc sử dụng khái niệm “đặt cọc” cho thấy bị cáo Thực không khẳng định bị cáo chắc chắn môi giới thành công dự án, mà nó cho thấy việc môi giới có thể thành công hoặc không thành công; nếu việc môi giới không thành công thì đương nhiên Công ty Kinh doanh nhà sẽ hoàn trả lại tiền cho Công ty 34. 

Qua lời khai của bị cáo Thực cho thấy, bị cáo biết Công ty Kinh doanh nhà không thể trực tiếp môi giới thành công dự án. Vì vậy, bị cáo Thực mới phải thông qua các mối quan hệ của mình để có thể gián tiếp môi giới thành công dự án cho Công ty 34, và bị cáo Thực hoàn toàn không che dấu chuyện này với phía Công ty 34. Hồ sơ cho thấy bị cáo Thực có nhờ ông Trương Quốc Dũng giúp Thực môi giới công việc; khi ông Dũng ra Hà Nội công tác, Thực đã dẫn ông Nguyễn Thành Long ở Công ty 34 đến gặp ông Dũng để ông Long trực tiếp trình bày với ông Dũng. Việc ông Dũng không có khả năng môi giới công việc sửa chữa đường tại Phú Thọ cho Công ty 34 nằm ngoài dự tính của bị cáo.

Trong vụ án này, còn một số tài liệu, chứng cứ chưa được khai thác đúng mức trong quá trình điều tra và xét xử vụ án, như tài liệu “Chấp nhận cho phép sửa chữa công trình trên các tuyến quốc lộ năm 2014” từ Tổng cục Đường bộ (BL 223-261)  chưa thẩm định, đánh giá toàn bộ tài liệu này. Mặt khác, còn nhiều tài liệu, chứng cứ có lợi cho lời kêu oan của bị cáo chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm thu thập, hoặc đã được thu thập song chưa được thẩm định, đánh giá đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, theo nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo. 

Trong quá trình tố tụng, bị cáo Thực liên tục kêu oan nên các tài liệu, chứng cứ dù là mờ nhạt nhất, nhỏ nhoi nhất nhưng có lợi cho lời kêu oan của bị cáo đều cần được thu thập, thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng. Đó là nguyên tắc tiến hành tố tụng mang tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta – nguyên tắc suy đoán vô tội, và nguyên tắc này cũng đã được quy định chặt chẽ trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Tin rằng, với vụ án chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu trên đây, cấp phúc thẩm sẽ xem xét toàn diện, toàn bộ hồ sơ vụ việc để có một quyết định đúng đắn, phù hợp với qui định của pháp luật  và thật sự “thấu tình đạt lý”.

Doanh nghiệp hội nhập
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo