Không in mới tiền lẻ dịp Tết Ất Mùi 2015
Thời gian vừa qua, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không phát hành một số loại tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng tiền nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng.
Khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước; hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh.
Việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến cho tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng, tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và tuyển chọn tiền cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn kho quỹ.
Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, Ngân hàng Nhà nước không in các loại tiền mệnh giá nhỏ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2015 và các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Theo tính toán, nếu tiếp tục không đưa tiền mới từ 5.000đ trở xuống trong dịp Tết Nguyên đán 2015 sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Đảm bảo ATM thông suốt dịp Tết
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến hết tháng 11/2014, cả nước đã có trên 79 triệu thẻ do 52 tổ chức phát hành. Song song với việc phát triển dịch vụ, trong năm 2014, các ngân hàng tiếp tục tích cực đầu tư, phát triển mạng lưới ATM/POS để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của khách hàng.
Đến hết tháng 11/2014, số lượng ATM được lắp đặt trên toàn quốc là 15.931 máy. Số lượng POS cũng được phát triển đạt tới 167.943 máy góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống ATM của các ngân hàng.
Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến nên các giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt; mặc dù tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM.
Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt qua ATM thường gia tăng mạnh, gây áp lực lớn và dẫn đến tình trạng quá tải ATM.
Để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn và thông suốt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao dịch của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng phải đảm bảo hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, tiếp quỹ đầy đủ và kịp thời.
Cchủ động lập kế hoạch tăng cường các biện pháp phục vụ chi trả lương, thực hiện chi trả lương bằng tiền mặt cho doanh nghiệp tại các khu vực có ATM không đáp ứng kịp thời nhu cầu chi lương, thưởng Tết, tránh gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động thực hiện công tác giám sát tình hình hoạt động ATM/POS để kịp thời chỉ đạo, cảnh báo các ngân hàng trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến ATM/POS, phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu mất an toàn, góp phần giảm bớt rủi ro trong thanh toán, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt vào dịp cuối năm là thời điểm tội phạm hoạt động mạnh.
Ngân hàng Nhà nước đã xem xét cho phép một số ngân hàng triển khai dịch vụ ATM lưu động nhằm hỗ trợ giảm tải cho các ATM cố định, nhất là vào các thời gian cao điểm, các ngày trả lương của khách hàng trên cơ sở đảm bảo an toàn cho khách hàng và ngân hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 10/1/2025: Thị trường vàng tiếp tục đà tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 10/1/2025: USD tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp
Giá heo hơi ngày 10/1/2025: Miền Bắc tiếp tục duy trì đà tăng
STARLUX mua thêm 5 máy bay vận tải A350F
Giá nông sản ngày 10/1/2025: Cà phê và hồ tiêu giảm sâu bất ngờ
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết