Pháp luật

Không khởi tố vụ thuê người chặt tay, chân là bỏ lọt tội phạm?

(DNVN) - Trong bài đăng trên báo PL TP. HCM, ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao nhận định, khi cho rằng hành vi của LTN là hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo tài sản nhưng mục đích chưa thành để không khởi tố thì chưa đúng quy định của BLHS.

Như thông tin đã đưa trước đó, chị Lý Thị N. (30 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) thuê anh Doãn Văn D.(SN 1995, Phúc Thọ, Hà Nội) chặt đứt một phần bàn tay trái và bàn chân trái. Sau đó, D. đã thông Báo Công an quận Bắc Từ Liêm rằng chị N. gặp tai nạn tại đoạn đường sắt chạy qua địa phận phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Chị N. bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời.

Ban đầu chị N. khai báo với công an, do buồn chuyện gia đình nên đi lang thang và bị tàu hỏa cán qua khiến chân tay bị đứt lìa. Đúng lúc gặp anh D. đi ngang qua nên cầu cứu. Tuy nhiên, qua xác minh, các bộ điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm nhận thấy sự việc có nhiều dấu hiệu bất thường.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Bắc Từ Liêm đã làm rõ, chị N. thuê anh D. chặt chân tay của mình để được thanh toán quyền lợi của 3 gói bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó. Nếu trót lọt, chị N. có thể được trục lợi số tiền bảo hiểm lên tới 3,5 tỷ đồng.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: Báo Công an TP. HCM.

Bình luận về vụ việc này, trong bài đăng trên báo PL TP. HCM, ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng, theo Điều 18 BLHS 1999 thì mọi hành vi phạm tội chưa đạt đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở đây N. đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng nhưng chưa chiếm đoạt được thì phải coi hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chứ không phải là chưa cấu thành tội phạm hay mới ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Theo quy định tại Điều 17 BLHS 1999 thì “chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm”. Ở đây N. đã thực hiện một trong những hành vi khách quan của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được sao gọi là chuẩn bị phạm tội. Hơn nữa, nếu có chuẩn bị phạm tội lừa đảo (để chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng) thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự vì đây thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Số tiền mà N. định chiếm đoạt được coi là đặc biệt lớn, thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS 1999, là tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 12 năm đến tù chung thân. Khi xét xử, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì tòa án có thể áp dụng hình phạt thấp hơn 12 năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù. Tuy nhiên, đối với trường hợp phạm tội của N. còn có nhiều tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn xảo quyệt và tái phạm...

Cho dù hiện nay N. đã bị cụt một chân và một tay nhưng không vì thế mà không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Việc xử hình sự đối với N. còn là bài học cho nhiều người khác, hãy đừng vì lợi ích vật chất mà hủy hoại cơ thể, đánh lừa người khác.
Lý do mà Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội không khởi tố vụ án hình sự đối với N. là không thuyết phục, nếu không muốn nói là trái pháp luật và bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng!

Tương tự, đối với Doãn Văn D., người được N. thuê chặt tay, chân N. để lấy 50 triệu đồng, cũng có tội. Đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội với động cơ rất xấu là “gây thương tích thuê”, cho dù người mà D. gây thương tích chính là người đã thuê D. Việc giám định tỉ lệ thương tật đối với N. là quy định bắt buộc của pháp luật tố tụng nhưng chỉ căn cứ vào thương tích của N. cũng có thể xác định được ít nhất là 50%-60%. Và như vậy, hành vi cố ý gây thương tích của D. thuộc khoản 3 Điều 104 BLHS 1999, có khung hình phạt 5-15 năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác có nhất thiết phải cần trái ý muốn của người bị hại đâu. Vậy trường hợp một người bị bệnh hiểm nghèo nhờ người khác tiêm cho mình một liều thuốc độc thì sao? Chẳng lẽ nói người tiêm thuốc độc cho nạn nhân không phải tội giết người!?

Ngoài ra, việc đi giám định đâu có phụ thuộc vào ý chí của người bị hại mà cơ quan tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người bị hại phải đi giám định. Nếu họ từ chối, tức là họ đã không chấp hành yêu cầu của cơ quan tố tụng và có thể bị truy cứu về tội từ chối cung cấp tài liệu theo Điều 308 BLHS.

Việc chị N. không yêu cầu xử lý nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS thì được, không nói gì, còn ở đây thuộc khoản 3 Điều 104 thì việc chị N. có yêu cầu hay không không phải là căn cứ để có khởi tố D. hay không!

Đó là chưa nói trước khi D. có hành vi chặt tay, chân của N., chị N. đã nói rõ mục đích cho D. biết về việc chặt cụt chân, tay để được hưởng bảo hiểm. Vì vậy, hành vi của D. còn có dấu hiệu đồng phạm với N. về tội lừa đảo.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo