Xã hội

Không khuyến khích cảnh sát nhảy lên capô

Nếu là tội phạm giết người, buôn ma túy... thì việc nhảy lên capô của CSGT là đáng làm. Còn với người tham gia giao thông, chưa cần đến mức phải hành động như vậy , Cục trưởng Cục CSGT Nguyễn Văn Tuyên nói.


- Hiện nay, một số lái xe khách vi phạm Luật Giao thông bất chấp hiệu lệnh của CSGT khiến những người thực thi công vụ nhảy lên capô hoặc giữ cần gạt nước. Ông nghĩ sao về thực tế này?

Điều đó trước hết thể hiện ý thức chấp hành luật của lái xe kém, chống đối người thực thi công vụ. CSGT được nhà nước, pháp luật cho phép làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật của lái xe.

Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, tức phương tiện, người lái đang có vấn đề. Tuy nhiên, khi những hình ảnh được đưa lên các phương tiện truyền thông, người dân không đồng tình vì phản cảm và nguy hiểm đến tính mạng của người thực thi công vụ.

- Vậy, lực lượng cảnh sát thiếu biện pháp xử lý người vi phạm nên phải đánh đu ở đầu xe?

CSGT thực thi công vụ trên các tuyến đường đang phải chịu nhiều áp lực như mưa nắng, tiếng ồn, bụi bặm... Vì vậy, về mặt tâm lý, nhiều khi họ không thể bình tĩnh được. Khi người tham gia giao thông có hành vi kích động thêm tâm lý, CSGT sẽ làm chuyện không hay, phản cảm như thời gian vừa qua.

Tôi không khuyến khích tình huống có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng như thế. Có nhiều cách để giải bài toán đó. Nếu kiên quyết, 2 - 3 ngày sau, một tuần sau vẫn có thể xử lý được người điều khiển phương tiện vi phạm. Trước đó, Bộ Công An cũng đã rút kinh nghiệm vấn đề này.

 

 


Cảnh sát giao thông bám trên cần gạt nước của xe taxi.

 


- Người điều khiển phương tiện đều được bổ túc chương trình đạo đức người lái xe, nhưng hành xử trên đường cho thấy họ hiếm khi thể hiện điều này?

Hiện nay, theo cơ chế thị trường, lái xe hầu như không được quản lý. Chủ xe chủ yếu là tư nhân, thuê, mướn và khoán cho lái xe nên không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho lái xe. Trong khi đó, các trường lái cũng không quan tâm đến việc đào tạo đạo đức cho người lái xe. Tự họ rèn luyện phấn đấu, họ tốt thì sẽ tốt, người không tốt thì đạo đức kém, dẫn đến những chuyện không hay.

CSGT yêu cầu dừng xe, nhưng anh đâm thẳng xe vào CSGT là đạo đức kém; coi thường tính mạng của người thi hành công vụ.

- Vậy đạo đức của CSGT, những người thực thi công vụ thì sao, thưa ông?

Nhiều năm nay, Bộ Công an quan tâm đến việc làm thế nào để hình ảnh CSGT tốt lên trong mắt người tham gia giao thông. Việc Hà Nội đưa nữ CSGT ra đường đã làm dịu cái “nóng” của hình ảnh CSGT. Việc cảnh sát đưa cụ già, em bé qua đường là những hình ảnh rất đẹp. Có nhiều phong trào học tập để dạy lực lượng cảnh sát nói chung, CSGT nói riêng những đức tính của người cảnh sát đối với nhân dân nhằm từng bước lấy lại hình ảnh.

Thời gian qua, nói đến CSGT, thiện cảm của người dân không nhiều. Ác cảm nằm trong đầu nhiều người nên nói đến CSGT là dư luận xã hội và báo chí thiếu thiện chí. Nhưng có một câu chuyện hết sức đời thường, nếu Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh một ngày, một giờ không có CSGT sẽ như thế nào?

Mùa đông, mùa hè, họ vẫn phải ra đường. Nhiều người không ở trong hoàn cảnh của CSGT nên không hiểu hết sự vất vả của họ. CSGT ngoài đường nắng gió, khát không có nước uống, đang làm việc, đói cũng không được đi ăn, không thể bỏ chốt trực.

Mấu chốt cuối cùng vẫn là đạo đức của lái xe. Giáo dục đạo đức của lái xe chưa có ai quan tâm, đặc biệt trong đào tạo. Còn CSGT sẽ chấn chỉnh, xử lý tùy vào từng tình huống cụ thể. CSGT sẽ cố gắng tránh, dù lái xe chống người thi hành công vụ, nhưng rõ ràng đây là chuyện không hay.

 

 

Thảo Nguyên

Theo Tiền Phong

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo