Không lo thanh khoản cuối năm
Thanh khoản ngân hàng cuối năm tương đối tốt khi nguồn tiết kiệm tiếp tục chảy vào ngân hàng trước diễn biến các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc.
Vốn huy động tăng đều
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, trong tháng 1/2015, huy động vốn của Ngân hàng tăng hơn 6% so với tháng trước đó. Còn trong năm 2014, tăng trưởng huy động tiền gửi tiết kiệm của OCB đạt mức tăng trưởng tới 40% so với năm 2013.
Theo ông Long, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn tăng trưởng đều đặn trong thời gian qua, cho dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm có điều chỉnh giảm nhẹ. Lý do là, các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại tệ) chưa thực sự khởi sắc, nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót vốn đầu tư, mà vẫn nhờ ngân hàng giữ hộ vốn nhàn rỗi. Hơn nữa, dù lãi suất tiền gửi có điều chỉnh giảm, song với diễn biến thị trường ổn định như hiện nay, gửi tiết kiệm với lãi suất 6 - 6,5%/năm vẫn được xem là khá hấp dẫn.
Phó tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm cũng cho hay, nguồn tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tốt trong những tháng cận Tết, dù đây là thời điểm người dân có nhu cầu chi tiêu và doanh nghiệp có nhu cầu chi lương, thưởng Tết. Mặc dù cầu về vốn của khách hàng có tăng trong những tháng cận Tết, song do thanh khoản dồi dào, nên không lo thiếu nguồn cung.
Thêm vào đó, các ngân hàng cũng tăng khuyến mãi, nhằm tri ân khách hàng dịp cuối năm…, nên nguồn tiết kiệm tiếp tục đổ vào ngân hàng.
Tiết kiệm vẫn có lợi
Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), so với lạm phát năm 2014 và lạm phát kỳ vọng năm nay ở mức 5%, thì gửi tiết kiệm với lãi suất bình quân 5,5 - 6%/năm như hiện nay, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Vì thế, nguồn tiết kiệm vẫn đổ vào ngân hàng.
Các chuyên gia của Ngân hàng ANZ dự báo, lạm phát Việt Nam trong năm nay có thể chỉ ở mức 3%, do mức giá xăng dầu giảm mạnh. Vì thế, việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức 5 - 6%/năm là rất có lợi cho người gửi tiền. Đó cũng chính là lý do dòng tiết kiệm chưa rút khỏi ngân hàng.
Thực tế, chỉ riêng khu vực TP.HCM, tăng trưởng huy động tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn trong năm qua tăng trên 14%.
Phân tích theo loại tiền gửi, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong năm qua, tiền gửi VND đạt 1.132.138 tỷ đồng, chiếm 84,2% trong tổng huy động vốn và tăng 15,1% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, tiền gửi ngoại tệ đạt 211.697 tỷ đồng, chiếm 15,8% trong tổng tiền gửi và tăng 13,1% so với cuối năm 2013.
Còn phân tích theo tính chất tiền gửi, thì tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tiền gửi. Theo đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 722.445 tỷ đồng, chiếm 53,8% và tăng 14,3% so với cuối năm 2013.
Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 607.987 tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 19,5%; bộ phận tiền gửi qua phát hành giấy tờ có giá đạt 13.403 tỷ đồng, chiếm 1% và giảm 54,8% so với năm 2013.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhu cầu rút tiền chi lương, thưởng Tết của doanh nghiệp không có gì đột biến, trong khi thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, với lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dư địa để giảm lãi suất vẫn còn, song lãi suất sẽ khó có thể giảm mạnh hay tăng trở lại trong thời gian tới. Vì thế, xu hướng của khách hàng hiện nay là chọn kỳ hạn tiền gửi dài ngày, thay vì ngắn hạn như trước. Việc này sẽ tạo điều kiện hỗ trợ ngân hàng trong việc cơ cấu nguồn vốn cho vay trung và dài hạn.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo