Pháp luật

Không xử phạt nếu chậm đổi giấy phép lái xe mẫu mới

Cổng TTĐT Chính phủ nhận được phản ánh của ông Trần Quang Tăng (Đắk Lắk) và bà Nguyễn Thị Thương (Lào Cai) về một số bất cập liên quan đến việc chuyển đổi giấy phép lái xe theo mẫu mới.

Theo ý kiến của ông Tăng và bà Thương, chi phí cho việc cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) như lệ phí, tiền khám sức khỏe, tiền chụp ảnh và photo các giấy tờ liên quan, chi phí đi lại... là lớn so với thu nhập của người dân, nhất là đối với người dân ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, người dân cũng phải dành thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính này... 

 
Ông Tăng và bà Thương muốn được biết lý do phải thực hiện việc cấp, đổi GPLX và việc cấp, đổi này có bắt buộc không, nếu không thực hiện cấp, đổi thì có bị xử phạt hay không?
 
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
 
GPLX mới thuận tiện hơn cho việc sử dụng và quản lý
 
GPLX cơ giới đường bộ có vật liệu bằng giấy đã được các cơ quan có thẩm quyền như ngành Công an, sau này là ngành Giao thông vận tải phát hành và cấp cho người dân sử dụng từ nhiều năm nay.
 
Quá trình sử dụng GPLX bằng giấy đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết như mức độ bảo mật không cao, dễ bị làm giả; dễ bị tẩy xóa, sửa đổi; dễ bị hư hỏng trong quá trình sử dụng; kích thước không gọn gàng; không thuận tiện cho việc lưu giữ của người có GPLX cũng như công tác quản lý, xử lý khi người lái xe vi phạm... GPLX mới sẽ khắc phục cơ bản những hạn chế này.
 
Việc đổi GPLX cho người vừa có GPLX ô tô, vừa có GPLX mô tô được ghép lại trên một GPLX, thuận tiện sử dụng, đồng thời mỗi người chỉ có một số GPLX duy nhất, được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu GPLX toàn quốc, tạo thuận tiện không chỉ cho cơ quan quản lý mà cho cả người dân trong các trường hợp đổi, mất sẽ được tra cứu cấp lại nhanh hơn, được dư luận xã hội đồng tình.
 
Việc cấp đổi GPLX đến kỳ hạn bằng vật liệu PET đã được các Sở Giao thông vận tải thực hiện từ năm 2012. Số lượng GPLX ô tô sẽ hoàn thành đổi sang vật liệu mới đến cuối năm 2014 không còn nhiều, số còn lại chủ yếu là GPLX mô tô, có lộ trình đến năm 2020, vì thế người dân có nhiều thời gian để đổi GPLX sang loại vật liệu mới. Mặt khác, hiện nay chưa có quy định nào xử phạt vi phạm hành chính đối với người quá thời hạn không đổi GPLX theo mẫu mới.
 
Sẽ thực hiện thủ tục cấp đổi GPLX qua mạng
 
Hiện nay, thời gian cấp đổi GPLX đã được rút ngắn xuống còn 5 ngày làm việc. Đồng thời, để tạo điều kiện hơn nữa cho người dân có nhu cầu cấp, đổi GPLX, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng quy trình cấp đổi GPLX theo cấp độ 3. Theo đó, người dân có thể khai báo thủ tục cấp đổi GPLX trên mạng và chỉ phải đến cơ quan cấp đổi GPLX một lần theo lịch hẹn, các thủ tục khác thực hiện qua mạng.
 
Về lệ phí cấp GPLX, mức lệ phí cấp GPLX bằng vật liệu PET do Bộ Tài chính quy định (Thông tư số 73/2012/TT-BTC ngày 14/5/2012) là 135.000 đồng/lần. Trong đó, nộp ngân sách Nhà nước là 35% và các cơ quan làm nhiệm vụ cấp đổi GPLX được sử dụng 65% để chi phí cho phôi ấn chỉ, vật liệu in, thiết bị, nhân công...
 
Về quy định cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe cơ giới đường bộ, theo Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ thì người lái xe tham gia giao thông phải có sức khỏe theo quy định. Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới đường bộ; về thu phí khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người lái xe cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ Y tế.
 
Trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát thủ tục hành chính để làm giảm đến mức thấp nhất phiền hà cho người dân. Việc quy định đổi GPLX lần này về lâu dài sẽ tạo thuận lợi cho người có GPLX trong việc cấp mới, đổi và sử dụng. Vì thế rất mong người dân chia sẻ với chủ trương này của Bộ Giao thông vận tải để quản lý chặt chẽ hơn trong công tác cấp GPLX, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Theo Chinhphu.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo