Xã hội

Khu mộ đá cổ và hệ thống linh vật thuần Việt giữa Hà Nội

Nằm cách Hà Nội chỉ hơn 20km về phía Nam, xã Vân Tảo là một vùng đất khá thanh bình, còn giữ được nhiều nét văn hoá thuần Việt.

 Người dân nơi đây sống chủ yếu vào nghề nông, gắn liền với ruộng lúa, sau này có thêm nghề cây cảnh. Không chỉ có “Nhất cận thị, nhị cận sông”, Vân Tảo cũng như nhiều làng quê khác ở Thường Tín còn nằm dọc theo con đường huyết mạch QL1A nên nhờ đó mà cũng khá giả nhờ chịu khó làm ăn buôn bán.

 
Nhưng dường như sự phát triển rất nhanh của thành phố lại chưa ảnh hưởng đến đời sống văn hoá nơi đây. Người ta vẫn bắt gặp những phiên chợ cây giống, gà lợn quanh những khu công nghiệp mới mọc lên. Trong làng, những giếng nước vẫn tồn tại, những bức tường đá ong, mái ngói đỏ tươi vẫn mặc kệ thời gian cố phủ lớp rêu phong.
 
Có lẽ bởi vậy mà những đình, đền, chùa khu vực này vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, nhẹ nhàng vốn có của văn hoá Bắc Bộ. Đáng nói hơn, nếu nói về Vân Tảo, người ta phải nói đến một di tích vốn một thời bị vùi lấp, sau đó tình cờ được khai quật lại để rồi khiến ai cũng bất ngờ về quy mô kiến trúc của di tích này. Đó là quần thể lăng mộ Quận Vân.
 
Dấu xưa hiện hữu
 
Nằm tách ra khỏi trung tâm làng Vân Tảo, quần thể lăng mộ Quận Vân nổi bật không chỉ bởi có được một không gian làng xã hiền hoà bao quanh mà còn bởi sở hữu một kiến trúc đá đặc sắc, điển hình và gần như còn nguyên vẹn.
 
Chuyện xưa kể rằng Đô đốc Đại giang Quận công Đỗ Bá Phẩm vốn là một công thần thời chúa Trịnh Cương. Cho đến khi thế tử Trịnh Giang lên ngôi, ông thất thế nên nghĩ đến chuyện hậu sự. Thấy thế đất ở Vân Tảo hợp phong thuỷ, ông cho chở đá từ Đông Triều, Quảng Ninh theo sông về rồi về thuê các nghệ nhân đẽo đá xây phần lăng mộ cho mình. Điều đặc biệt của lăng mộ này là được ghép mông hoàn toàn, không sử dụng bất cứ chất kết dính nào.
 
Cặp nghê đá ngồi canh giữ ngay khu vực bia đá lớn ghi công đức của Đô đốc Đại giang Quận công Đỗ Bá Phẩm
 
Toàn bộ khu vực này được chia ra làm 3 phần gồm: Cổng lăng, Khu sinh phần và Nhà mộ. Nếu nói về kiến trúc, đáng chú ý nhất là khu vực sinh phần. Hai bên đường thần đào vào khu sinh phần mỗi bên đặt một hương án bằng đá khối rất vững chắc và được khắc hoạ rất công phu. Trên mỗi hương án có chạm trổ "Long mã hý cầu" và "Lượng nghệ châu lư hương" cùng các tiểu tiết trang trí là đài sen, mây, lửa... Ngoài ra, bút nghiên cũng được tạc lên khu vực hương án này.
 
Một chi tiết đáng chú ý khác chính là chiếc ngai đá giống như ngay thờ trong các hậu cung đình, nơi để bài vị thờ Thành hoàng. Nó đặc biệt ở chỗ, dù làm bằng đá nhưng những chi tiết điêu khắc lại rất đẹp, cầu kỳ, không khác gì khắc trên gỗ lại rất bền.
 
Phần cuối cùng của khu lăng mộ chính là khu vực nhà bia và phần mộ của Đô đốc Đại giang Quận công Đỗ Bá Phẩm. Đây cũng là phần thiết kế khá thú vị bởi bia được đặt vừa gọn trong nhà bia, mái đá được đỡ bởi 4 cột đá vững chãi dù chỉ được ghép với nhau bằng mộng. Tấm bia bên trong tương tự các tấm bia đá thời trước, ghi công đức ba đời của Quận công, tuy nhiên lại không thấy ghi ngày mất của vị này.
 
Phần nhà mộ nằm ngay sau nhà bia có hình mui rùa điển hình, có chóp đình và hình bốn mái. Người xưa kể rằng, trước đây, ngoài phần mộ còn có phần nhà dựng quanh và bên dưới mộ có hệ thống tự sập nếu có xâm hại. Tuy nhiên những điều này chưa được kiểm chứng.
 
Những linh vật thuần Việt
 
Để nói về kiến trúc của khu lăng mộ Đô đốc Đỗ Bá Phẩm, người ta có thể nói cả ngày bởi đây là công trình đặc trưng và còn gần như nguyên vẹn. Nhưng với những ai đã đến khu lăng mộ này, điều ấn tượng nhất lại nằm ở các bức tượng, trong đó đặc biệt là tượng linh vật rất thuần Việt.
 
Để phân biệt sự thuần Việt ở đây, có lẽ chúng ta cần nói đến sự chân thực, nhẹ nhàng, hiền hoà của các bức tượng và những loài vật đã gắn liền với cuộc sống của người Việt.
 
Đầu tiên, ngay từ cửa vào, một đôi chó đá đeo vòng lục lạc ngồi canh cổng. Đôi chó đá này đã mất 1 con, một con bị phá huỷ nghiêm trọng nên khó có thể tả gì nhiều về đặc trưng của nó. Tuy nhiên, nó được coi là vật canh nhà và dáng ngồi đã nói lên điều đó. Ngay sau đôi cho đá là 2 pho tượng lính canh vạm vỡ, vẻ mặt thể hiện sự nghiêm túc trong công việc đứng canh của mình. Hai pho tượng này được người thợ điêu khắc thể hiện theo lối tả thực, giống người từ kích cỡ cho đến đường nét khuôn mặt. Chúng được đặt thấp hơn mặt bằng chung và dù là lính canh nhưng không hề có sự uy quyền, dữ dằn được thể hiện ra ngoài.
 
Trở lại với các linh vật xuất hiện ở đây, hình tượng gây ấn tượng mạnh nhất chính là cặp voi đá. Tính theo tỉ lệ, cặp voi này tương ứng với kích thước voi thật đến từng bộ phận cơ thể. Hoàn toàn không có sự cách điệu nào trong việc thể hiện, cặp voi đá chắc chắn được các nghệ nhân lành nghề và có kiến thức tốt tạo nên. Chúng giống nhau như một cặp sinh đôi, có cặp mắt sâu và rất có hồn. Nếu nói về cặp voi ở các đền thờ, miếu mạo, đây có thể coi là một cặp voi hiếm, khó gặp bởi chúng quá đẹp và chân thực.
 
Ngay kế tiếp cặp voi phục là cặp ngựa đá có tỷ lệ như ngựa thật. Cặp ngựa này cũng được tả thực, không thêm thắt bất kỳ một yếu tố lạ nào. Thậm chí nếu tìm hiểu kỹ, người ta có thể hiểu thêm về cách thắt đai, làm cương ngựa của người xưa ở đây.
 
Ngựa đá
 
Một cặp chó đá khác tiếp tục được tìm thấy gần khu vực nhà bia. Lần này chúng không ngồi như 2 tượng chó canh cổng mà nằm phủ phục trước hương án thứ hai trước khi đến phần nhà bia. Điều đặc biệt là cặp chó đá này được làm vô cùng đơn giản, không có bất cứ hoạ tiết cầu kỳ nào. Chúng được cho là một cặp đực cái, sống chung với nhau. Sở dĩ có thể kết luận được như vậy là bởi, trong 2 tượng chó, có 1 tượng có chó nhỏ ngồi cạnh. Điều đó dễ dàng suy ra đây là cặp chó bố mẹ cùng cho con của mình. Tất nhiên, như đúng nét văn hoá của người Việt, chúng không hề dữ dằn mà ngược lại, có vẻ ngoài rất đáng yêu.
 
Một linh vật không có thật duy nhất xuất hiện trong khu vực lăng mộ chính là con nghê. Điều thú vị ở đây là cặp nghê đá này dù đã được tạc cách đây 300 năm nhưng vẫn còn rất thời sự. Chúng vừa biểu thị cho uy lực, uy quyền, nhưng lại vẫn tạo vẻ ngoài dễ gần gũi. Và do là linh vật không có thật nên đây chính là con vật được người thợ thể hiện hoa văn nhiều nhất.
 
Nghê đá
 
Một thời bị quên lãng
 
Dù là những linh vật được tôn thờ, là một lăng mộ đẹp được bảo vệ nhưng đã có một thời gian dài, quần thể lăng Quận Vân đã bị lãng quên và đáng nhẽ đã bị xoá sổ hoàn toàn. Nhưng chính sự tài hoa của người thợ làm đá, sự sáng tạo tuyệt vời  trong kiến trúc xây mộ mà cho đến này, người đời mới có một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia gần như nguyên vẹn còn sót lại.
 
Bà Phạm Thị Cuộng, nhà đã 4 đời sống ở ngay cửa lăng khẳng định, cả làng này cơ bản không biết về lăng mộ này bởi nó đã bị vui lấp từ rất xưa rồi. Các cụ đời trước cũng chẳng thấy ai kể lại bởi thủa đó lo ăn, lo chạy giặc chứ đâu còn thời gian quan tâm mồ mả. Nhưng dấu mốc khiến quần thể lăng này bị lãng quên quan trọng nhất chính là vào năm 1914, trận lũ lớn đã khiến hệ thống đê ở đây bị vỡ, cả làng chìm trong nước và phải chạy lụt lánh nạn. Khi nước rút, trở về, trừ những nhà đất, đình chùa kiên cố, có giá trị sử dụng còn trụ lại được, những nơi khác đều được làm lại mới, nhiều nhà bị phù sa bồi lấp sâu dưới hàng mét, trong đó có cả lăng Quận Vân.
 
Là người chứng kiến việc chính quyền khai quật lại khu lăng mộ, bà Cuộng cho biết, đó là khoảng thời điểm năm 1984 hay 1986 gì đó. Khi đó đây là sự kiện lớn lắm, xe xúc xe ủi về chật cả đường làng. Chỉ mất có vài ngày mà lộ ra nguyên cả lăng mộ của Đô đốc Đỗ Bá Phẩm. Kỳ lạ ở chỗ, nó vẫn còn gần như nguyên vẹn và mọi vật vẫn theo thứ tự sắp xếp. Sự tài hoa của người thợ xây mộ đã giúp quần thể này đứng vững trước cơn lũ dữ, và ngược lại, phù sa của cơn lũ lại bảo vệ lại nguyên trạng và đầy đủ quần thể này.
 
Tại khu vực bàn lễ là 2 con chó đá nằm phục canh giữ. Chúng rất đặc trưng bởi được làm rất đơn giản, gần gũi. Ta có thể bắt gặp hình ảnh 1 con chó con nằm phía bên tượng chó đá cái.
 
Bà Cuộng khẳng định, bà đi khắp các làng, các xã quanh huyện, nhưng chưa thấy nơi nào có hệ thống linh vật đẹp như ở Lăng Quận Vân. Những năm đầu sau khi mới khai quật lên, còn ít người đến thăm viếng vì thủa đó chiến tranh đói kém, loạn lạc. Về sau hoà bình, phú quý sinh lễ nghĩa, người ta viếng thăm nhiều, bà cùng ông từ có nhiều vụ chăm sóc nơi này.
 
“Trước kia cơ bản các di vật của lăng rất đẹp. Có một thời, người ta liên tục đến rình ăn trộm, thậm chí phá phách nên cũng mất đi phần nào“, bà Cuộng chỉ vào con chó đá canh cửa nơi bà cho rằng, thể hiện rõ những vết chặt phá bằng vật sắc, nặng.
 
“Ngày xưa nền ruộng ở chỗ này cao hơn hiện tại 2 – 3m cơ chú ạ. Lúc đó người ta chỉ thấy mỗi cái chóp của nhà bia đá nổi lên và nghĩ đó là phần dương mộ của người xưa. Người làng khác đi qua đây thì hay nói có mộ đá nổi ở Vân Tảo, sáng thì mộ nổi lên, tối lại lặn xuống tìm chẳng thấy đâu. Nhưng thực tế, nó vẫn nằm đó và chỉ được thấy rõ khi toàn bộ khu lăng này được đào lên”.
Theo Thể thao văn hóa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo