Pháp luật

Khủng hoảng kinh tế, thi hành án cũng gặp khó

Cơ quan thi hành án tiến hành bán đấu giá nhà đất thì không có người mua, thậm chí cả lúc đã giảm giá nhiều lần cũng không ai đăng ký.

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng án là tác động của khủng hoảng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tự giải tán để “xù” nghĩa vụ, cạnh đó thị trường nhà đất đóng băng nên cơ quan thi hành án khó bán được tài sản…

 

Năm 2010, tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên buộc Công ty NĐ phải trả cho hai đối tác gần 10 tỉ đồng. Án có hiệu lực, Cục Thi hành án dân sự thành phố vào cuộc theo yêu cầu của người được thi hành án thì mới biết Công ty NĐ đã ngưng hoạt động được một thời gian.

 

Đua nhau “mất tích”

 

Liên hệ với các cơ quan chức năng khác, cơ quan thi hành án nhận được thông tin Công ty NĐ chưa làm thủ tục giải thể hoặc phá sản, thậm chí cơ quan thuế cho biết vẫn đang tiến hành truy thu tiền thuế. Quá trình thi hành án đến đây thì coi như bế tắc vì cơ quan thi hành án không biết Công ty NĐ đang “lưu lạc” ở đâu để làm việc.

 

Tương tự, Chi cục Thi hành án dân sự một quận của TP. Hồ Chí Minh ra quyết định yêu cầu Công ty B. phải trả nợ cho Công ty S. gần sáu tỉ đồng.

 

Đến địa chỉ của Công ty S. ghi trong bản án, chấp hành viên chỉ thấy cái… bảng hiệu treo trước cửa, còn mặt bằng thì một đơn vị khác đang kinh doanh. Hỏi ra thì mặt bằng là của người khác cho thuê, chấp hành viên đành phải ghi chú vào biên bản xác minh: Không thể thi hành án vì công ty không còn hoạt động, chuyển đi đâu không rõ.

 

Theo đại diện Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2012, chỉ tính riêng quận này đã có 45 vụ doanh nghiệp phải thi hành án bỏ địa phương đi đâu không rõ. Theo quy định những trường hợp như trên sẽ không thể thi hành án được vì không rõ địa chỉ của người phải thi hành án khiến án tồn đọng.

 

Còn theo thống kê sơ bộ của Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thì mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp có nghĩa vụ thi hành án “mất tích”. Hầu hết đều rơi vào trường hợp doanh nghiệp chỉ đăng ký vốn điều lệ mà không có tài sản riêng, mọi thứ đều đi thuê...

 

Giám đốc bỏ về nước

 

Với những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nợ tiền bảo hiểm xã hội, việc THA cũng rất trần ai. Thông thường số tiền nợ rất lớn nhưng doanh nghiệp chây ì, không còn khả năng chi trả, thậm chí chủ doanh nghiệp cao chạy xa bay về nước.

 

Chẳng hạn Công ty Giày Anjin (100% vốn Hàn Quốc) bị tòa án nhân dân quận Bình Tân buộc phải trả một lần hơn 6,5 tỉ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội. Án vừa tuyên xong thì cũng là lúc doanh nghiệp đóng cửa ngừng mọi hoạt động, giám đốc thì bay về nước.

 

Trước đó, doanh nghiệp đã đem nhà xưởng, máy móc thế chấp vay tiền ngân hàng. Khi Bảo hiểm xã hội TP kiện thì phía ngân hàng cũng yêu cầu doanh nghiệp trả nợ. Số tiền thanh lý tài sản, sau khi khấu trừ các khoản thì chỉ còn khoảng 200 triệu đồng và cơ quan thi hành án đã giao hết cho ngân hàng.

 

Tương tự, Công ty Giày dép Kwang Nam (100% vốn Hàn Quốc) bị tòa án nhân dân quận Phú Nhuận buộc phải trả một lần cho Bảo hiểm xã hội TP hơn bảy tỉ đồng.

 

Trả được 500 triệu đồng, doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giám đốc cũng bỏ về nước. Bảo hiểm xã hội TP đã yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế bán đấu giá tài sản nhưng số tiền thu về được rất ít ỏi so với số nợ khổng lồ của doanh nghiệp.

 

Siêu giảm giá, vẫn… ế

 

Truy lùng doanh nghiệp “mất tích” đã khó, đến khi nắm trong tay bất động sản của doanh nghiệp, cơ quan thi hành án cũng gặp khó trong thời buổi thị trường nhà đất đóng băng. Cưỡng chế kê biên xong, cơ quan thi hành án thông báo, lên lịch bán đấu giá thì không có người mua, thậm chí cả lúc đã giảm giá nhiều lần cũng không ai có nhu cầu.

 

Chẳng hạn đầu năm 2012, Chi cục thi hành án dân sự quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) cưỡng chế kê biên nhà của bà H. ở phường Sơn Kỳ và nhà ông L. ở phường Tân Thới Hòa. Sau khi ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. Hồ Chí Minh bán tài sản, kết quả là đến nay không có ai mua dù giá đã giảm nhiều so với thông báo lúc khởi điểm.

 

Hay trước đây, Cục thi hành án dân sự thành phố ký hợp đồng thuê một công ty thẩm định giá căn nhà của bà NTV là 6,8 tỉ đồng, để bán đấu giá. Khi tổ chức bán đấu giá thì không có người đăng ký mua, chấp hành viên đã phải giảm giá theo quy định để tiếp tục bán.

 

Tuy nhiên, sau đó chấp hành viên phải tiếp tục giảm giá lần hai nhưng vẫn không có ai đăng ký mua khiến đương sự nghi ngờ, yêu cầu được định giá lại…

 

“Trị” bằng cách nào?

Một nghịch lý hiện nay là trong khi doanh nghiệp dễ dàng trốn thi hành án bằng cách “mất tích” thì những thành viên sáng lập ra doanh nghiệp lại có thể ung dung “rũ áo” đi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Vì vậy, ngành thi hành án đã nỗ lực đề ra nhiều biện pháp để “trị” doanh nghiệp dạng này. Từ năm 2010, Cục thi hành án dân sự thành phố đã đăng tải tên doanh nghiệp trốn thi hành án ở địa chỉ www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn.

 

Trên cơ sở này cơ quan cấp phép kinh doanh sẽ rà tên giám đốc, thành viên chưa thi hành án trên website để từ chối cấp phép. Nhiều địa phương khác còn “đón đầu” bằng cách kê biên tài sản ngay khi công ty có dấu hiệu tẩu tán hoặc siết chặt quản lý trên địa bàn…

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp trên chỉ là tình thế, hiệu quả không cao. Điều quan trọng là phải sửa đổi các quy định liên quan trong việc quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp để có thể dễ dàng xử lý khi chủ doanh nghiệp cố tình trốn.

 

Chờ chính sách vĩ mô

Đây là khó khăn do hoàn cảnh khách quan mang lại mà bản thân ngành thi hành án đang phải “bó tay”, chưa thể tháo gỡ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tình trạng trên còn có thể diễn ra trầm trọng và khó kiểm soát hơn.

 

Nhưng nếu chúng ta có những chính sách vĩ mô từ gốc của vấn đề, chẳng hạn Chính phủ bung tiền cứu các doanh nghiệp, tìm biện pháp kích cầu thị trường nhà đất… thì các khó khăn này sẽ được giảm bớt. Bởi lẽ thực tế về tâm lý, chẳng doanh nghiệp nào muốn mang tiếng nợ nần, phá sản hoặc dùng chiêu trò trốn thi hành án. Họ cũng muốn kinh doanh lành mạnh và được pháp luật bảo vệ.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Chấp hành viên cần nhiệt tình hơn

Từ thực tế thi hành án liên quan đến bảo hiểm xã hội, tôi thấy nếu chấp hành viên nhiệt tình hơn thì việc thi hành án sẽ nhanh hơn, khả năng thi hành án thành công cao hơn. Đặc biệt ở khâu ủy thác thi hành án, nếu chấp hành viên tích cực hơn thì thời gian sẽ được rút ngắn rất nhiều.

 

Vì tài sản của doanh nghiệp thường không tập trung một nơi, có khi trụ sở ở thành phố nhưng nhà xưởng, máy móc lại nằm ở Bình Dương. Nếu việc ủy thác thi hành án không được làm kịp thời sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tẩu tán tài sản.

Ông NGUYỄN ĐĂNG TIẾN,
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM

Theo PL TPHCM

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo