Khủng hoảng nhân tài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế thế giới
Có một nghịch lý hiện nay là mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu tăng, nhưng các công ty và nhà tuyển dụng vẫn không thể tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nguồn lao động chất lượng cao hiện nay là do dân số thế giới đang bị già hóa.
Theo nghiên cứu của Liên Hợp quốc, số lượng người già (trên 60 tuổi) sẽ tăng gấp đôi từ 841 triệu người năm 2013 lên hơn 2 tỷ người năm 2050. Nếu năm 2013, người già chỉ chiếm 11,7% dân số thế giới, con số này sẽ tăng lên 21,1% năm 2050.
Những nhà nhân khẩu học như Michael Teitelbaum tại trường ĐH Luật của Harvard hay Jay Winter của ĐH Yale nhấn mạnh rằng hơn một nửa dân số thế giới hiện nay đang sống tại các quốc gia già hóa.
Một số nhà kinh tế học khẳng định rằng sự suy giảm tăng trưởng dân số là một phần nguyên nhân của các sự kiện như cuộc Đại Khủng hoảng hay tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Nhật Bản trong những thập kỷ qua.
Thiếu hụt nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật Bản suy thoái trong những thập kỷ gần đây, với tăng trưởng GDP trung bình hàng năm giảm từ 4% trong những năm 1980 xuống dưới 1% trong giai đoạn từ 2001-2011.
Theo nghiên cứu của hãng ManPowerGroup, 35% trong tổng số 38.000 nhà tuyển dụng trên 42 quốc gia cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài. 19% cho biết sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng kinh doanh.
Nhiều nước phát triển ở châu Âu cho biết tỷ lệ sinh giảm là một thách thức lớn trong cuộc chiến thiếu hụt tài năng. Nếu dân số thế giới tiếp tục già hóa trong vòng 10 năm tới, nó sẽ trở thành mối đe dọa về mặt kinh tế-xã hội cho cả các nước phát triển và đang phát triển.
Nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ “già trước khi giàu”. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã giảm 2,45 triệu người năm 2013. Liên Hợp Quốc ước tính rằng trong giai đoạn 2020 -2030, Trung Quốc sẽ thiếu 67 triệu người lao động. Những tác động về mặt kinh tế đã buộc chính phủ nước này quyết định nới lỏng chính sách một con hối cuối tháng 12 năm ngoái.
Trung Quốc không chỉ đối mặt với vấn đề thiếu hụt tài năng mà còn gặp phải thảm họa chảy máu chất xám. Theo thống kê của Bộ Giáo dục đào tạo Trung Quốc, kể từ khi quốc gia này tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến cuối năm 2012, có tổng cộng khoảng 2,65 triệu học sinh Trung Quốc du học ở nước ngoài, trong khi đó chỉ có 1,09 triệu người quay trở về nước làm việc.
Tình trạng này đang đe dọa sự chuyển dịch kinh tế dài hạn của Trung Quốc.
Riêng về phần mình, nếu Mỹ không thu hút những nhân tài từ nước ngoài thì nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng sẽ lâm vào khủng hoảng.
Nói đến việc thu hút nhân tài, các quốc gia đều nhắc đến Singapore với gần 1 triệu người lao động nước ngoài, góp phần tạo ra 41% GDP cho đất nước 4 triệu dân này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo