Khuyến khích tố cáo việc tuyển dụng lao động bất hợp pháp
Theo thông báo từ phía Hàn Quốc, hạn ngạch tuyển mới lao động Việt Nam sang lao động tại Hàn Quốc năm 2012 đã dừng lại. Thông tin này đồng nghĩa với việc từ nay đến hết năm Hàn Quốc sẽ ngừng tuyển lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này. Điều này gây ra nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng cho những lao động trong hạn ngạch tuyển dụng của năm 2012.
Trả lời trên Chương trình Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, việc Hàn Quốc tạm hoãn tuyển dụng lao động Việt Nam do gần đây, nhiều lao động nước ta sang Hàn Quốc làm việc, đến thời hạn hợp đồng nhưng vẫn tiếp tục ở lại vào việc – lao động chui (PV) dẫn tới việc nước bạn ra quyết định trên.
Hiện số lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc làm việc sau khi hết hạn hợp đồng hơn 50% - tương đương khoảng 11.000 lao động nên Hàn Quốc đề nghị tạm hoãn gia hạn hợp đồng nhằm tìm giải pháp tích cực đưa người lao động Việt Nam về nước đúng quy định. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho biết thêm, trước thực tế này, ngay từ cuối năm 2011, Bộ đã làm việc với các địa phương, yêu cầu làm tốt công tác chính trị tư tưởng, đề nghị các gia đình vận động để người lao động trở về đúng hạn.
Bộ cũng phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức hội nghị, mời các tỉnh có số lao động đông, bàn các giải pháp đưa các lao động này về nước, giảm tỉ lệ ở lại quá đông. Bộ đã ký hợp tác với ba cơ quan là: Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam để cùng làm công tác vận động thuyết phục con em lao động ở Hàn Quốc sau khi hết hạn trở về.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các địa phương có số lao động ở lại đông đợt tuyển sau sẽ giảm số lượng tuyển dụng. “Đấy là giải pháp cần thiết”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Việc Hàn Quốc tạm ngừng tuyển dụng lao động Việt Nam trong năm 2012 là bài học thấm thía. Từ bài học này, chúng ta cần nhất là trong việc nâng cao giáo dục ý thức cho người lao động, những người lao động trước khi đi nên huấn luyện kỹ hơn nữa… |
Lý giải cho việc ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng, nhiều lao động cho rằng, để đi sang Hàn Quốc làm việc, họ phải đóng mức thi phí quá cao (200- 300 triệu đồng). Sau khi hết hạn hợp đồng, chi phí cũng chỉ vừa đủ trả chi phí ban đầu, bởi vậy họ buộc phải trốn ở lại để lao động, nuôi sống gia đình.
Theo Bộ trưởng Chuyền, thì đây chỉ là lý do biện bạch cho việc ở lại Hàn Quốc.Chi phí một người lao động sang Hàn Quốc chỉ là 630 USD. Khi người lao động sang Hàn Quốc phải đóng thêm 500 USD để nộp vào quỹ bảo hiểm thân thể, bảo hiểm rủi ro … Hết hạn hợp đồng, số tiền này sẽ được trả lại cho người lao động. Chính vì thế nói là mất một số tiền lớn để ở lại là không hẳn.
Tuy nhiên, đối với trường hợp này, Bộ trưởng Chuyền cũng cho rằng, có thể những người này đã làm việc với những đường dây đưa người lao động bất hợp pháp sang Hàn Quốc. Bộ trưởng Chuyền khuyến khích, những người lao động, nếu phát hiện ra những đường dây, trung tâm này, thì thông báo để Bộ có biện pháp xử lý triệt để./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo