Kịch bản không hoàn hảo của ông Phạm Trung Cang
Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc rút lui khỏi nghiệp kinh doanh sau sự cố Bầu Kiên nhưng có lẽ cú hạ cánh của doanh nhân nổi tiếng Phạm Trung Cang không nhẹ nhàng.
Cái kết buồn
Nguồn tin từ TAND TP. Hà Nội xác nhận, đã có thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cho tại ngoại chuyển sang áp dụng biện pháp giam giữ đối với các bị can Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn, đều từng là lãnh đạo Ngân hàng ACB với lý do là để đảm bảo cho công tác xét xử diễn ra đúng pháp luật và thuận lợi.
Quyết định tạm giam các bị can này đã được chuyển tới Cục CSĐT tội phạm để thực thi.
Như vậy, thay vì được tại ngoại hay không bị truy tố, được thoải mái đi lại, sang cả nước ngoài như cuối 2013 và đầu 2014, ông Phạm Trung Cang - Nguyên Phó Chủ tịch ACB sắp rơi vào vòng lao lý, giống như 8/9 bị can khác trong đại án Bầu Kiên, ngoại trừ ông Trần Xuân Giá do bệnh tật.
Hồi giữa tháng 1/2014, nhiều người giật mình khi được biết ông Phạm Trung Cang đã rời Việt Nam hồi cuối 2013 sau khi lệnh cấm xuất cảnh được gỡ bỏ và Viện KSND Tối cao đình chỉ vụ án đối với nguyên phó chủ tịch ACB này.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Ông Cang liệu có trở về không?. Tại sao ông Cang trước đó được đình chỉ vụ án và không phải chịu trách nhiệm hình sự?...
Chưa có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên nhưng những diễn biến mới nhất cho thấy, ông Cang vẫn phải ra trước vành móng ngựa với cáo buộc phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát gần 720 tỷ đồng do cùng thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền huy động từ người dân đi gửi tiết kiệm tại NH khác.
Theo luật định, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có thể khiến cho những bị can trong vụ án này chịu mức án phạt tới 20 năm tù giam.
Với các phương án mà TAND TP. Hà Nội đưa ra, có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn nữa vụ án bầu Kiên sẽ lại được đưa ra xét xử trở lại cho dù một trong những bị can chính là ông Trần Xuân Giá có đủ sức khỏe để đến được tòa hay không. Ông Cang khi đó sẽ được phán xét xem có tội hay vô tội.
Trở lại với những diễn biến đối với riêng trường hợp ông Cang, dư luận nhiều người cho rằng vị doanh nhân này đã có sự chuẩn bị để đối mặt với các biến cố. Từ việc ông Cang rút lui khỏi 2 NH, chuyển quyền lãnh đạo cao nhất tại Nhựa Tân Đại Hưng cho con gái trẻ tuổi mới tốt nghiệp đại học cho tới việc bị khởi tố, rồi đình chỉ vụ án, lệnh cấm xuất cảnh được gỡ bỏ, rồi ông Cang rời Việt Nam...
Sự dang dở của doanh nhân lớn
Trước khi dính vào những lùm xùm trong vụ án bầu Kiên, ông Phạm Trung Cang được biết đến là một doanh nhân có nghị lực rất lớn, ông vượt qua rất nhiều trắc trở trong nghiệp kinh doanh của mình và từng nằm trong tốp 100 người giàu nhất trên TTCK.
Ông Cang là một trong những thành viên đầu tiên sáng lập ACB và đóng góp lớn vào sự thành công rực rỡ của NH này trong một thời gian dài. Ông cũng nắm giữ vị trí chủ chốt và cổ phần khá lớn ở một NH khác.
Tuy nhiên, điểm nổi bật xuyên suốt nghiệp kinh doanh của ông Cang có lẽ lại là ở lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa. Ông là chủ tịch Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) với lượng cổ phần nắm giữ lên tới gần 16%. Bước vào lĩnh vực NH đầy hấp dẫn, ông Cang vẫn rất kín tiếng và cẩn trọng.
Trở lại vụ việc ông Cang trước đó suýt "thoát tội", lý do được đưa ra là bởi cuối 2010 ông Cang đã có từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT ACB khi mà Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành. Đây là lý do khiến ông Cang được cho rằng không có trách nhiệm hình sự về việc thất thoát gần 720 tỷ đồng cho dù ông Cang có tham gia cuộc họp hồi đầu năm 2010 đề ra chủ trương ủy thác cho vay.
Còn việc ông Cang bị hồi phục điều tra và bị khởi tố với vai trò "đồng phạm" trong vụ bầu Kiên là do "ông Cang đã có nhiều hành vi cố ý làm trái pháp luật". Cho dù từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhưng ông Cang vẫn giữ chức vụ thành viên Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB và ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách Thường trực HĐQT ACB ủy thác đầu tư.
Tính đến cuối 2013, ông Cang không còn nắm giữ bất cứ chức vụ nào tại các NH và tại TPC và cũng không nằm trong tốp những người giàu nhất trên TTCK. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy ông Cang vẫn đang nắm giữ hơn 3,2 triệu cổ phiếu TPC, tương đương hơn 13% cổ phần tại đây. Tại Eximbank và ACB, số cổ phần của ông không được nêu rõ trong báo cáo quản trị nhưng trước đó ông nắm giữ gần 1,5 triệu cổ phiếu EIB và gần 2 triệu cổ phiếu ACB.
Kế hoạch rút lui khỏi nghiệp kinh doanh một cách êm ả và an toàn xem ra đã không được như ý muốn. Giấc mơ doanh nhân lớn của ông Phạm Trung Cang đã bị tạm dừng nửa chừng. Điểm "được" còn lại có lẽ là sự tiếp quan "DN gia đình" TPC ban đầu khá thành công của cô con gái Phạm Đỗ Diễm Hương.
Quý I/2014 TPC có lợi nhuận tăng tới 40% so với cùng kỳ nhờ giá vốn giảm mạnh. Trong năm 2013, dưới sự dẫn dắt của "ái nữ" Diễn Hương, TPC cũng chứng kiến doanh thu tăng 15%, lợi nhuận vượt gần 30% so với kế hoạch.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo