Kịch bản Mỹ phong tỏa đường biển Trung Quốc khi xung đột nổ ra
Hai tháng sau khi bị cáo buộc đưa tên lửa chống hạm, phòng không ra đảo nhân tạo phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc mới đây lại cho oanh tạc cơ H-6K diễn tập hạ cánh xuống một đường băng ở Biển Đông, nhiều khả năng là trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Mỹ đã bày tỏ lo ngại và cảnh báo Trung Quốc về "hậu quả" của các hành động quân sự hóa Biển Đông này.
Điều này cũng làm dấy lên những quan ngại trong giới phân tích về nguy cơ nổ ra xung đột trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này.
Mỹ luôn coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, nơi có khoảng 50% lượng hàng hóa, thương mại của thế giới lưu thông, trong khi Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng muốn độc chiếm khu vực.
Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ nước ngoài, trong khi tuyến liên lạc đường biển của nước này dễ bị cắt đứt. Các nhà phân tích nhận định đây là hai điểm yếu Mỹ có thể khai thác trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự, nhằm hạn chế thiệt hại khi phải đối đầu các hệ thống vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) rất mạnh của Trung Quốc, theo Diplomat.
Việc phong tỏa một quốc gia trong thời chiến từng được áp dụng trong quá khứ. Trong Thế chiến I, Anh huy động nhiều tàu chiến chặn mọi tuyến tiếp tế bằng đường biển của Đức, góp phần dẫn tới thất bại của nước này. Mỹ cũng từng phong tỏa các tuyến hàng hải của Nhật trong Thế chiến II, khiến nền kinh tế và quân sự của Tokyo bị đình trệ nghiêm trọng.
Nếu xung đột vũ trang với Trung Quốc nổ ra, Mỹ có thể huy động các nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tới các vùng biển trọng yếu để ngăn cản mọi hoạt động vận tải đường biển đến và đi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, phong tỏa đường biển của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra chiến tranh hiện nay là việc vô cùng khó khăn, Gabriel Collins, chuyên gia phân tích thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, đánh giá.
Việc ngăn chặn hoạt động chở dầu bằng tàu biển của Bắc Kinh sẽ rất phức tạp, do nhiều quốc gia trong khu vực có chung tuyến đường biển với Trung Quốc. Ngoài ra, hải quân Mỹ phải chặn các điểm đến ở Ấn Độ Dương và Biển Đông bằng việc đánh chìm hoặc bắt giữ các tàu chở dầu treo cờ trung lập, hành động chắc chắn sẽ gây nhiều hậu quả chính trị cho Washington.
Theo Collins, việc phong tỏa Trung Quốc còn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu gặp suy thoái nghiêm trọng, gây ra áp lực rất lớn với Mỹ và buộc nước này chấm dứt chiến tranh mà không giành được lợi thế rõ ràng.
Trung Quốc cũng có thể tiến hành nhiều bước đi để giảm thiểu hậu quả từ việc bị phong tỏa đường biển như tăng sản xuất dầu trong nước, sử dụng nhiên liệu thay thế dầu, tăng nhập khẩu dầu từ Nga và thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Việc bố trí hệ thống A2/AD rất mạnh giúp Trung Quốc bảo vệ được khí tài tham chiến, trong khi quân thường trực nước này có thể duy trì sức mạnh, trừ những thiệt hại do chiến tranh tiêu hao gây ra.
Bởi vậy, Trung Quốc sẽ khó lâm vào tình thế ngặt nghèo như Nhật Bản thời Thế chiến II. Nhật không phải là quốc gia giàu tài nguyên, nên khi bị Mỹ phong tỏa đường biển, quân đội phát xít Nhật đã không đủ nhiên liệu vận hành các khí tài hải quân và không quân. Thiết giáp hạm Yamato ra khơi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng mà không đủ nhiên liệu để trở về. Điều này gần như không thể xảy ra với Trung Quốc, do sự khác biệt về địa lý và tình hình chính trị.
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh Mỹ - Trung, nỗ lực phong tỏa đường biển từ xa của Washington sẽ rất khó thành công và Mỹ không thể chỉ dựa vào biện pháp này để giành chiến thắng, chuyên gia Collins nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo