Kích cầu hàng Việt qua các phiên chợ Tết
Bà có thể cho biết, xuất phát từ đâu, Sở Công Thương tổ chức 7 điểm bán hàng tiêu dùng theo mô hình “chợ Tết”?
- Theo thông lệ, vào thời điểm cuối năm, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường tăng giá bất hợp lý. Để ngăn chặn tình trạng này, dịp Tết năm nay, ngành công thương Hà Nội và các DN ngành thương mại tổ chức 7 phiên “chợ Tết” tại một số huyện ngoại thành. Thông qua hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó, đây cũng là giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, từ đó kích thích sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối… Quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức, lòng tin của người dân về văn minh thương mại, chất lượng, giá cả, thương hiệu… của sản phẩm Việt, qua đó đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Việc tổ chức các điểm “chợ Tết” cũng là dịp đưa hàng bình ổn giá đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.
Để thực hiện được mục tiêu này, những phiên “chợ Tết” sẽ được tổ chức như thế nào, thưa bà?
- 7 điểm bán hàng Việt theo hình thức “chợ Tết” sẽ được tổ chức tại huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức và quận Hoàng Mai. Những phiên “chợ Tết” này có quy mô 1.500 – 2.000m2/điểm, trong đó, diện tích bán hàng từ 800 – 1.000m2 (tương đương 40 - 60 gian hàng tiêu chuẩn). Chương trình được tổ chức thành 2 đợt bán hàng, cụ thể: Đợt 1 diễn ra từ ngày 7 - 11/2/2015 (tức ngày 19 - 23/12 Âm lịch) tại các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì; đợt 2 từ ngày 10 -15/2/2015 (tức ngày 22 - 27/12 Âm lịch) sẽ diễn ra tại huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, quận Hoàng Mai.
Các mặt hàng bày bán tại 7 điểm này chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng tốt và hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, dệt may, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, nội thất gia đình, sản phẩm nghề và làng nghề, đặc sản vùng miền… Tại các phiên “chợ Tết”, người dân không chỉ mua được hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá hợp lý mà còn được hưởng các dịch vụ, các chương trình khuyến mại.
Những DN tham gia chương trình này phải đạt những tiêu chí như thế nào? Đồng thời, Sở Công Thương có chính sách hỗ trợ ra sao đối với những DN tham gia chương trình?
- Số lượng DN tham gia chương trình đưa hàng Tết về ngoại thành chủ yếu là DN sản xuất, kinh doanh, phân phối, HTX, cơ sở sản xuất làng nghề của Hà Nội và đặc sản vùng miền. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa bày bán tại các phiên “chợ Tết” cũng như tạo điều kiện cho các DN quảng bá sản phẩm, ngành công thương Thủ đô ưu tiên lựa chọn các DN tham gia chương trình bình ổn giá; DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, có khả năng tổ chức bán hàng tốt. Bên cạnh những DN chủ lực của Hà Nội, tại những địa phương diễn ra phiên “chợ Tết” còn có sự góp mặt của các DN thương mại, cơ sở sản xuất các mặt hàng truyền thống tại địa phương.
Có thể nói “chợ Tết” là một trong những hoạt động đưa hàng bình ổn giá tới tay người tiêu dùng nên DN không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, chính vì vậy, ngành công thương Thủ đô đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ DN khi tham gia chương trình này. Cụ thể như chi phí thuê địa điểm hoặc chuẩn bị mặt bằng; thiết kế market tổng thể; thi công, trang trí, dàn dựng các điểm bán hàng; các hoạt động phụ trợ; chi phí thiết kế, in ấn tờ rơi, băng rôn, cờ phướn, pano để giới thiệu quảng bá về chương trình, đồng thời hỗ trợ kinh phí thuê xe đi lại, vận chuyển, phụ cấp lưu trú cho nhân viên thực hiện chương trình… Có thể nói hoạt động hỗ trợ DN như vậy sẽ thu hút nhiều DN tham gia trong những lần tổ chức tiếp theo.
Xin cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo