Thị trường

Kiếm bạc tỷ nhờ trầm kỳ

Ở huyện Tiên Phước - Quảng Nam có nhiều người phất lên từ cây dó bầu - có khả năng tạo trầm hương và kỳ nam, trong đó nổi tiếng nhất là ông Nguyễn Quốc Trinh và ông Trần Vũ Linh, cùng ở xã Tiên Mỹ

 Vào những năm 1980, những người thợ rừng ở tỉnh Phú Khánh, bây giờ là  tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đổ xô về những cánh rừng ở các huyện miền núi Tiên Phước, Trà My... của tỉnh Quảng Nam để săn tìm trầm hương và kỳ nam. Từ đó, làn sóng tìm kiếm trầm kỳ với ước mơ đổi đời lan rộng khắp vùng này.


Trồng thử, giàu thật


Sau nhiều năm theo chân các thương lái buôn trầm kỳ, ông Nguyễn Quốc Trinh nghĩ cách mang cây dó bầu về trồng tại vườn nhà để thu trầm hương. Từ cách làm tiên phong táo bạo ấy, nay ông trở nên giàu có bậc nhất xứ Tiên Phước.
 
Ông Trinh năm nay đã gần 60 tuổi, từng bị người dân xã Tiên Mỹ gọi là Trinh “khùng”. Từ năm 1984, khi dân địa phương đổ xô vào rừng tìm kiếm trầm kỳ thì ông Trinh cũng đi theo. Tuy nhiên, ông không tìm trầm kỳ mà lại bứng 100 cây dó con về trồng trong vườn nhà mình.

 

Thấy ông Trinh phá bỏ cây quế - loại cây đang mang lại giá trị kinh tế cao thời ấy - để trồng dó, nhiều người đã ngăn cản, cho rằng ông không bình thường.




Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của Việt Nam, có giá trị dược liệu quý hiếm nên rất đắt.
 
Kỳ nam là thứ trầm có nhiều dầu, còn trầm là thứ kỳ có ít dầu. Trong những cây dó có trầm thỉnh thoảng vẫn có kỳ và trong những cây dó có kỳ thì trầm luôn luôn bao xung quanh hoặc ở bên cạnh.


“Lúc đó, người ta chế nhạo tôi nhiều lắm. Họ nói tôi khùng nhưng tôi vẫn cương quyết phá quế trồng dó” - ông Trinh nhớ lại.

 

Dù trồng thử nhưng kết quả ngoài sự mong đợi của ông. Trong 100 cây dó được trồng, chỉ bốn cây sống được. Mười năm sau, ông bán ba cây, thu được 250 triệu đồng. Số tiền đó rất lớn so với lợi nhuận thu được từ cây quế.


Sau đó, ông Trinh tự ươm giống và tiếp tục trồng cây dó phủ khắp khu vườn rộng hơn 1 ha, mỗi năm thu lợi hàng tỉ đồng từ việc bán dó cho thương lái.

 

Dó tám năm tuổi được thương lái thu mua khoảng từ 10 - 30 triệu đồng/cây. Ông Trinh cho họ lưu số dó đã bán tại vườn nhà mình thêm hai năm để can thiệp tạo trầm trên thân cây.


Chỉ tay vào những gốc cây đã từng thu hoạch trầm, ông Trinh cho biết: “Dó là loại cây có khả năng tái sinh cao.

 

Trồng một lần, hưởng nhiều đời vì cây cho thu hoạch qua nhiều chu kỳ, chồi tái sinh và phát triển thành cây mới sau khai thác trầm và chừa lại gốc.

 

Gốc dó để lại lâu năm qua các tác động vật lý có thể cho được trầm chất lượng đặc biệt”. Ông Trinh đoan chắc rằng những gốc dó sẽ cho ra trầm hương hảo hạng, có giá trị đến vài chục triệu đồng mỗi ký.


Khát vọng lớn từ dó


Ông Trần Vũ Linh, em rể của ông Nguyễn Quốc Trinh, cũng trở thành tỉ phú dó bầu sau những năm tháng làm thương lái trầm kỳ. Dựa vào kinh nghiệm phân biệt từng loại trầm cùng kỹ thuật tạo trầm học hỏi được, ông Linh đem cây dó về trồng tại vườn nhà và dồn hết vốn liếng để đầu tư, chăm sóc.


Ban đầu, ông Linh trồng 600 cây, sau hơn 8 năm, ông bán dó thu được hàng trăm triệu đồng. Ông tiếp tục dành thêm gần 2 ha đất vườn để trồng dó. “Lúc đầu, tôi phải lặn lội vô rừng nhổ dó con, cực lắm! Về sau, tôi nghĩ cách lấy hạt ươm giống để trồng” - ông Linh kể.

Ông Trần Vũ Linh thu lợi rất nhiều từ việc ươm dó giống


 Không những ươm giống trồng cho vườn nhà, ông Linh còn có hai vườn ươm dó ở huyện Tiên Phước và tỉnh Đắk Nông, mỗi năm xuất bán khoảng 400.000 cây giống ra thị trường.

 

Ông Linh còn nguồn thu không nhỏ nữa từ việc đi cấy tạo trầm cho cây dó của những khách hàng mà mình cung ứng giống.


Chưa dừng lại ở đó, ông Linh còn mở xưởng tạo dó cảnh, tận dụng nguồn gỗ dó trong vườn. Dó cảnh được chạm khắc từ thân cây dó với hình thù rất đẹp, lạ mắt, lại mang tính tâm linh cao, được thương gia Trung Quốc mua nhiều.

 

Tính trung bình, với một sản phẩm dó cảnh, ông Linh thu lợi từ 2 - 3 triệu đồng.

 

Xưởng của ông tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, thu nhập mỗi người từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Linh chỉ những chậu cây dó có hình thù lạ mắt, được tạo nhiều kiểu “bon sai” kỳ thú. “Tôi trồng dó kiểng vừa là thú vui vừa có thể có trầm để bán” - ông nói.



Nuôi bảy con vào đại học

Bảy người con của ông Trần Vũ Linh và ông Nguyễn Quốc Trinh đều theo học tại các trường đại học danh tiếng ở TP.Hồ Chí Minh.

Ông Linh có bốn người con, con trai đầu  tốt nghiệp đại học và hiện đã đi làm.
Hai đứa khác đang học Đại học Bách khoa và Đại học Công nghiệp, cô gái út cũng là sinh viên năm nhất  Đại học Ngoại thương. Ông Trinh có ba  con gái,  hai cô theo học  Đại học Y Dược và một cô học Đại học Kinh tế.

“Nếu không nhờ những vườn dó bầu, nông dân chúng tôi làm sao có thể cho con học  ở thành phố lớn?” - hai ông hào hứng.



Hiện ông Linh đang quyết tâm nghiên cứu cách tạo trầm để cho ra đời trầm hương loại 1, loại 2.

 

Từ trước đến nay, trầm hương ông thu được tại vườn nhà chỉ là loại 4, loại 5, có giá trị khoảng 5 - 6 triệu đồng/kg.

 

Lâu năm trồng dó, ông đúc kết đây là một loại cây rất đặc biệt, để tạo ra trầm cần phải có thời gian và có sự tác động của ngoại cảnh.

 

Quá trình trồng thì đơn giản nhưng làm thế nào để tạo trầm mới khó. Hiện nay, nhiều người có các phương pháp thủ công là đục lỗ hoặc bơm hóa chất cho cây dó từ tám đến 10 năm tuổi

 

“Dó là một loại cây rất dễ trồng, trừ những vùng đất cát, trũng, màu mỡ ra thì các loại đất khác đều có thể trồng được.

 

Thích hợp nhất là trồng cây dó trầm vào những sườn đồi, vườn có độ dốc” - ông Linh cho biết.



Những người trồng dó tạo trầm ở Tiên Phước mà chúng tôi bắt gặp có chung suy nghĩ: Việt Nam có nhiều điều kiện thích hợp để trồng cây dó tạo trầm tốt nhất.

 

“Nếu Trung Đông làm giàu từ dầu mỏ, tại sao Việt Nam không thể làm giàu từ trầm kỳ?

 

Cây dó tạo trầm cũng như con người Việt ta, luôn vươn lên trong nghịch cảnh. Nếu quyết chí, đất đai, cây cối trên quê hương mình không bao giờ phụ lòng người đâu” – ông Linh bộc bạch.

 

Theo NLĐ
 

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo