Pháp luật

Kiến nghị Bộ Công an vào cuộc việc tạm giam bác sĩ vụ chạy thận

Hội cấp cứu và Chống độc Việt Nam vừa có đơn kiến nghị lên Bộ Công an đề nghị điều tra, kết luận lại vụ tạm giam bác sĩ trong sự việc tai biến khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Bác sĩ Hoàng Công Lương, công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, vừa bị bắt tạm giam sau khi xảy ra tai biến chạy thận sáng 29/5, khiến 8 người tử vong ở Hoà Bình, theo tin tức trên báo Thanh Niên.

Liên quan đến sự việc này, chiều 27/6, thay mặt Hội Hồi sức - Cấp cứu và chống độc Việt Nam, GS-TS Nguyễn Gia Bình kiến nghị lên Bộ Công An, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan, trong đó kiến nghị thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận một cách khách quan để tránh oan sai, để nhân viên y tế yên tâm phục vụ người bệnh.

Trong đơn kiến nghị, GS-TS Nguyễn Gia Bình cho rằng, việc khởi tố, bắt giam bác sỹ Hoàng Công Lương là không thỏa đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế, theo tin tức trên báo TTXVN.

Giáo sư Bình bày tỏ: “Những ngày qua, hàng trăm đồng nghiệp trong cả nước đều bất ngờ và rất hoang mang, lo lắng."

Trong đơn kiến nghị, giáo sư Bình cho hay, về vụ việc 8 người tử vong, cơ quan công an kết luận nguyên nhân do nhiễm độc các hóa chất tồn dư trong hệ thống máy lọc nước dẫn vào máy lọc thận.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình. Ảnh: TTXVN.

Trước quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương vì đã “thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Mặc dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng bác sỹ Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân,” giáo sư Bình cùng các đồng nghiệp đều hết sức bất ngờ và lo lắng, hoang mang.

Ngay sau khi sự cố hàng loạt người tử vong xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, giáo sư Nguyễn Gia Bình là người trực tiếp lên Hòa Bình tham gia khắc phục sự cố y khoa tại tỉnh này từ khi xảy ra sự việc đến khi kết thúc.

Chính vì vậy, giáo sư Bình cùng các đồng nghiệp đã đưa ra 5 kiến nghị. Theo đó, việc giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về: số lượng, chủng loại thiết bị …Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng.

Vì vậy cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận là bác sỹ Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.

Giáo sư Bình phân tích bác sỹ Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản thì sự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy.

 

Vì vậy theo giáo sư Bình, khuyết điểm của bác sỹ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi.

Khi sự cố xảy ra, với lượng nhân viên ít ỏi, bác sỹ Lương và các đồng nghiệp đã làm việc hết mình, xử trí nhanh và chính xác, cấp cứu kịp thời 18 bệnh nhân trong khi chờ đợi các đồng nghiệp đến trợ giúp, vì vậy đã giảm thiểu sổ bệnh nhân tử vong, nếu không số bệnh nhân tử vong còn có thể nhiều hơn nữa.

"Chúng đánh giá rất cao về tinh thần trách nhiệm, cũng như chuyên môn trong tình huống này. Đây là trường hợp chưa từng có trên thế giới." -giáo sư Bình nhấn mạnh.

"Như vậy, lẽ ra bác sỹ Lương và những cán bộ y tế tham gia cấp cứu phải được động viên khen thưởng thì này lại được coi là tội phạm thì không thỏa đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế chúng tôi," đơn kiến nghị nêu rõ.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo TTXVN, Thanh Niên)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo