Môi trường

Kiến nghị thủy điện xả nước cứu hạn

Thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn không chịu xả nước khiến hạ lưu cạn kiệt, nhiễm mặn, nhiều ruộng lúa chết trắng.

“Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất trong tuần tới sẽ đề xuất UBND hai tỉnh, TP kiến nghị Chính phủ yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 trả nước lại cho dòng Vu Gia để cứu hạn, đẩy mặn vùng hạ lưu. Trước đây Đăk Mi 4 có cam kết xả nước nhưng không biết họ có thực hiện không vì sông Vu Gia vẫn kiệt nước” - ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cho biết vào ngày 29-6.

 

Lúa chết, ruộng đồng khô cạn

 

Huyện Điện Bàn là vựa lúa của Quảng Nam. Nhưng vựa lúa với diện tích 5.700 ha này đang phải đối diện với nguy cơ mất mùa vì thiếu nước. Khoảng 2.000 ha hoa màu của xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước cũng đang chết cháy. Người dân và chính quyền như ngồi trên đống lửa.

 

“Chưa bao giờ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn lại cạn kiệt như năm nay, tỉ lệ mặn đã vượt quá 11 lần cho phép. Gần 1.000 ha lúa ở các xã Điện Thắng Bắc, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông đều nứt nẻ, nhiễm mặn. Thủy lợi gần như tê liệt, hai trạm bơm của huyện là Cẩm Sa và Tứ Câu đều phải ngừng hoạt động” - ông Phạm Hữu Kinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn, thông tin.

 

Theo ghi nhận, hàng chục hecta lúa trong thời kỳ phát triển tại thôn Câu Lâu, xã Điện Ngọc đang cháy ngọn, chết rục vì hạn và nhiễm mặn. Bà Nguyễn Thị Miên nghẹn giọng: “Nhà tui có ba sào lúa thì cả ba sào đều nứt nẻ, lúa chết cháy. Kiểu này sắp tới nhà tôi sẽ phải mua gạo để ăn”.

 

Ông Kinh cho hay tỉnh Quảng Nam vừa chi 1,1 tỉ đồng để nạo vét khẩn cấp hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. UBND huyện Điện Bàn cũng phải chi 1,3 tỉ đồng để chống hạn cứu lúa. “Hạn hán, nhiễm mặn còn tấn công cả người dân thị trấn Vĩnh Điện. Nước sinh hoạt quá mặn, người dân kéo nhau đi mua nước ngọt với giá 20.000 đồng/20 lít về dùng. Nhưng nước ngọt thiếu nên người mua được, người không” - ông Kinh nói.

 

Thiếu nước sinh hoạt

 

Hiện độ nhiễm mặn đo được tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (cung cấp 90% nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng) đã vượt quá mức cho phép. Việc đối phó với hạn hán, chống xâm nhập mặn nguồn nước tại nhà máy này đang hết sức khẩn trương.

 

“Tình trạng này đã kéo dài mấy tháng qua do dòng Vu Gia kiệt nước. Theo quan trắc, độ mặn ghi nhận lên đến 2.100 mg/lít chưa từng có trong lịch sử. Theo quy chuẩn, việc xử lý, cung cấp nước của nhà máy chỉ được thực hiện khi độ mặn trong ngưỡng 250 mg/lít” - một nhân viên vận hành nhà máy cho hay.

 

Theo ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng, hiện Nhà máy nước Cầu Đỏ đã đóng cửa thu. Công ty đang huy động phương tiện, nhân lực đi lấy nước tại đập An Trạch (xã Hòa Tiến) cách nhà máy 10 km. Đập này từ trước đến nay chủ yếu giữ nước phục vụ tưới tiêu, nay bất đắc dĩ Nhà máy nước Cầu Đỏ mới phải lấy nước về để xử lý, cung cấp cho người dân sinh hoạt.

 

“Hiện Nhà máy nước Sân Bay công suất 30.000 m3/ngày đêm cũng đã phải lấy nước từ đập An Trạch. Nếu hạn hán kéo dài, thủy điện không chịu trả nước thì đập An Trạch có nguy cơ cạn, công ty chẳng biết lấy đâu ra nước cung cấp cho TP. Có thể chúng tôi sẽ xin TP cắt nước cung cấp cho tưới tiêu tại đập An Trạch để nhường nước phục vụ người dân” - ông Ảnh lo ngại.

Cứ mỗi lần bước vào đầu mùa hạn, gần 1,7 triệu dân vùng hạ du sông Vu Gia lại sống trong cảnh thiếu nước, nhiễm mặn. Nhiều nhà máy nước trong vùng tê liệt vì thủy điện Đăk Mi 4 không trả nước. Từ năm 2009 đến nay, UBND TP Đà Nẵng đã nhiều lần kiện thủy điện và gửi kiến nghị lên Chính phủ yêu cầu Đăk Mi 4 trả nước cho dòng Vu Gia.

Theo LÊ PHI (PL TPHCM)


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo