Pháp luật

Kiên quyết lập lại kỷ cương chống buôn lậu, gian lận thương mại

Cận kề thời điểm cuối năm, tình hình buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới càng gia tăng và phức tạp, số lượng hàng lậu chảy vào nội địa khá lớn.
Quản lý thị trường Lào Cai phát hiện, bắt giữ lượng hàng lậu lớn
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đề nghị từ nay đến Tết Ất Mùi, các Bộ, ngành, các thành viên phải tiến thêm một bước để lập lại trật tự kỷ cương trong việc chống buôn lậu cũng như cần có giải pháp rõ ràng và quyết liệt hơn.
 
Hàng lậu chờ vượt biên
 
Đến các cửa khẩu vùng biên những ngày này sẽ được tận mắt chứng kiến tình trạng người dân chen chúc qua cửa khẩu rồi ngang nhiên mang các lô hàng lậu vào Việt Nam.
 
Theo quy định, cư dân biên giới được phép trao đổi vận chuyển hàng hóa được miễn thuế xuất nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa không quá 2 triệu đồng/người.
 
Lợi dụng chính sách này, các đầu nậu đã thuê một lượng lớn cư dân biên giới để vận chuyển hàng lậu công khai qua các cửa khẩu. Sau khi hàng lậu được vận chuyển vào địa phận trong nước, các đầu nậu thu gom hàng hóa lại và vận chuyển sâu vào nội địa.
 
Tại các cửa khẩu, những cư dân qua đây có lẽ đã quá quen mặt lực lượng chức năng nên hầu như chỉ bị kiểm tra qua loa, thậm chí không bị ngó ngàng khi vác hàng qua.
 
Trò chuyện với phóng viên, chị Cù Bảo Châu, người dân xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) chia sẻ: "Dân vùng biên nghèo lấy đâu ra tiền để trao đổi buôn bán hàng hóa qua cửa khẩu. Vì thế, mùa nông nhàn bà con không có việc gì làm thì cả làng lại ra cửa khẩu để vận chuyển hàng lậu thuê. Mỗi ngày đi vài chuyến cũng kiếm được vài trăm nghìn mua gạo và đóng tiền học cho con cái. Còn nếu ai có sức khỏe đi làm cửu vạn vác hàng lậu qua núi thì tiền thù lao sẽ cao hơn nhiều."
 
Mặc cho các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, song tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt vào thời điểm những tháng cuối năm.
 
Tình trạng này không chỉ diễn ra tại các cửa khẩu mà ngay tại các thành phố, trung tâm kinh tế lớn cũng diễn biến rất phức tạp.
 
Chẳng hạn như trên địa bàn thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu với số lượng lớn từ các tỉnh về Hà Nội.
 
Gần đây nhất là ngày 4/11, tại cầu Phú Thụy, huyện Gia Lâm, lực lượng chức năng đã phát hiện đối tượng Vũ Thị Phương Hoa (Hà Nội) đang vận chuyển lô hàng gồm 385 chiếc điện thoại di động mang các nhãn hiệu iPhone 5, iPhone 4, Samsung...
 
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện và bắt giữ hàng trăm chai rượu ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ và tem mác nhập khẩu.
 
Đối với tuyến hàng không, phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn, gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu.
 
Chỉ tính đến tháng 10/2014, các lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt giữ 14 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy và tiền chất, thu giữ 7,7kg heroin, 13kg cocain, 4kg ma túy đá và 40kg tiền chất ma túy, trị giá lên đến hàng trăm tỷ đồng.
 
Để vận chuyển ma túy, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức cất giấu tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Phó Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết hiện nay, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng địa hình đường biên giới sát các khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, tập kết hàng lậu từ bên kia biên giới Trung Quốc rồi thuê cửu vạn “cõng” hàng đi theo đường mòn đến một số điểm tập kết, sau đó bốc lên ôtô và tiến sâu vào trong nội địa.
 
Một phương thức mới mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng là xé lẻ hàng hóa, dùng đò vận chuyển qua sông, thuê cửu vạn vác hàng qua các đường mòn biên giới vào những giờ cao điểm rồi dùng xe môtô vận chuyển hàng nhập lậu vào các khu chợ, bến xe, trung tâm thương mại sau đó đưa lên các xe container, xe tải nhỏ, xe khách chạy các tuyến Móng Cái đi Hải Hà, Đầm Hà, Cẩm Phả, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định...
 
Hàng lậu thường tập trung vào nhóm có giá trị cao như ma tuý, tiền giả, pháo các loại, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đồ chơi bạo lực, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, dầu nhờn, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, rượu, thuốc lá ngoại...
 
Hiện tượng buôn lậu không chỉ mới xuất hiện mà đã tồn tại nỏng bỏng qua rất nhiều năm. Nhưng xem ra với những “bật mí” mà dân buôn lậu tiết lộ và sự lộng hành của giới buôn lậu thì cuộc chiến chống buôn lậu không biết đến bao giờ mới có hồi kết.
 
Cùng với đó, các thủ đoạn, chiêu thức của giới buôn lậu và các “cung đường hàng lậu” dường như cơ quan chức năng đều nắm chắc trong lòng bàn tay.
 
Tuy nhiên, ngành chức năng luôn lý giải là “cái khó đã bó cái khôn” khiến công tác này vẫn chưa có phương thuốc hiệu quả.
 
Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển với tốc độ cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng.
 
Đi liền với đó là tình trạng xuất hiện nhiều phần tử làm ăn không đứng đắn, lợi dụng đưa hàng kém chất lượng vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
 
Hơn nữa, công tác đấu tranh về phương tiện, công cụ vừa yếu lại vừa thiếu khiến hiệu quả chưa cao. Điều này thể hiện qua thực tế mới đây lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thiếu nhiều trang thiết bị kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng.
 
Ngoài ra, không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường vẫn còn tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho tình trạng vi phạm. Sự phối hợp của các địa phương dù nỗ lực nhưng chưa đều là những nguyên nhân dẫn đến “chảo lửa” buôn lậu vẫn luôn nóng.
 
Cần chính sách ngăn chặn hiệu quả
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kết quả chống buôn lậu thời gian qua còn khiêm tốn nên hàng lậu vẫn bán công khai trên nhiều tuyến phố. Hơn nữa, buôn lậu làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, hình ảnh quốc gia.
 
Nguyên nhân của tình trạng trên do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức, quan tâm đến công tác đấu tranh chống buôn lậu. Vai trò, ý thức trách nhiệm của một số lãnh đạo quản lý thị trường chưa cao; chính sách, quy định pháp luật chưa rõ ràng; việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa hiệu quả...
 
Từ thực tế này, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Bộ Công Thương và đơn vị có liên quan phải có chính sách hiệu quả ngăn chặn hoạt động buôn lậu. Nếu địa phương nào để xảy ra buôn lậu thì lãnh đạo địa phương, thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường địa phương phải chịu trách nhiệm với cấp trên.
 
Bên cạnh việc tiếp tục lên các phương án cụ thể về chống buôn lậu cần nắm chắc địa bàn, làm tốt công tác điều tra từng cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp để phát hiện những thủ đoạn mới trong phòng chống buôn lậu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.
 
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết Cục đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Ất Mùi 2015. Theo đó, đợt kiểm tra được triển khai trên nhiều mặt, từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại các chợ bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng, hội chợ đến các kho hàng, bến bãi trạm xe trung chuyển hàng hóa, cảng, ga hàng không, đường sắt...
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới có kế hoạch phối hợp với các nước bạn nhằm phối hợp có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu ở khu vực biên giới.
 

Đặc biệt, các lực lượng chức năng phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm để răn đe đối với các hành vi tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng cho phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ./. 

Theo Vietnam+
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo