Kinh doanh và tiêu dùng

Công nghiệp xe hơi Việt Nam: Từ liên doanh đầu tiên đến việc 'đánh chiếm' thị trường Mỹ của VinFast

Với việc ra mắt hai mẫu xe VF e35 và e36 ngày 18/11 tại triển lãm ô tô Los Angeles 2021, VinFast đã chính thức "đặt chân" vào thị trường Mỹ. Sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới. Nhân dịp này, cùng VietnamFinance nhìn lại những dấu mốc đáng nhớ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bảng giá xe Maserati tháng 12/2021 / Bảng giá xe Land Rover tháng 12/2021

Công nghiệp xe hơi Việt Nam: Từ liên doanh đầu tiên đến việc 'đánh chiếm' thị trường Mỹ của VinFast
VinFast chính thức "đặt chân" vào thị trường Mỹ

Thực tế, ngành ô tô Việt Nam đã bắt đầu từ trước năm 1975. Song do ảnh hưởng của chiến tranh, các hoạt động còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Đến thời kỳ Đổi mới 1986, ngành ô tô đã bước những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, giai đoạn này các doanh nghiệp chỉ chủ yếu sản xuất phụ tùng thay thế.

Cho đến thập niên 90, những chiếc xe đầu tiên từ các liên doanh ô tô đã xuất hiện tại Việt Nam. Từ đây, ngành ô tô Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động bài bản và góp tên trong danh sách 36 nước trên thế giới có ngành công nghiệp ô tô.

Hai đơn vị liên doanh ô tô đầu tiên

Năm 1990, Chính phủ bắt đầu cấp phép hoạt động cho các liên doanh ô tô và những hãng xe chính hãng. Đến năm 1991, hai đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Xí nghiệp liên doanh ô tô Hoà Bình và Công ty liên doanh Mekong Auto đã đi vào hoạt động.

Trong đó, Mekong Auto là liên doanh có cơ cấu cổ phần từ Hàn Quốc (19%), Nhật Bản (51%) và Việt Nam (30%).

 

Năm 1992, Mekong Auto khánh thành nhà máy ô tô Cửu Long, với sản phẩm đầu tiên là chiếc Mekong Star hai cầu, động cơ do hãng SsangYong (Hàn Quốc) cung cấp. Năm 1993, Mekong Star đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và phần nào khẳng định thương hiệu trên thị trường châu Á.

Mẫu xe Mekong Star

Tính đến năm 1997, Mekong Auto đã bán ra khoảng hơn 30.000 chiếc xe. Tuy nhiên đến năm đó, Mekong Auto đã bỏ thương hiệu Mekong để chuyển sang lắp ráp kiểu xe mới Musso, vì nguồn cung cấp linh kiện là Ssangyong Motor không còn sản xuất mẫu xe đó nữa. Kể từ đó tên tuổi của Mekong mờ nhạt dần trên thị trường.

Trước đó, từ năm 1994, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận và tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Sự kiện quan trọng này đã mở đường cho các hãng xe nước ngoài tìm lối vào thị trường Việt Nam.

Cũng trong năm này, thông qua hợp đồng với Xí nghiệp sản xuất ô tô Hoà Bình, hãng xe sang BMW đã có mặt tại Việt Nam. Mẫu xe đầu tiên là Series 5 được lắp ráp tại nhà máy đặt tại Triều Khúc, quận Thanh Xuân.

Năm 1995, Việt Nam chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt thương hiệu xe nước ngoài. Những cái tên lần lượt xuất hiện tại Việt Nam là Toyota, Ford, Chrysler, Mitsubishi, Isuzu, Suzuki…

 

Cho đến nay, thị trường ôtô Việt Nam có sự hiện diện của hầu hết các thương hiệu ôtô lớn trên thế giới, từ phân khúc xe phổ thông, hạng sang, siêu xe đến siêu sang. Tính các hãng xe con thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô Việt Nam (VIVA) và các hãng khác, thị trường có hơn 30 thương hiệu đến từ các cường quốc công nghiệp ô tô như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Hàn, Italy.

Thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam

Năm 2004, có hai công ty là Ô tô Trường Hải (THACO) và Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cùng được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Giai đoạn đầu, cả hai công ty trên đều liên doanh lắp ráp các sản phẩm ô tô thương mại như xe tải của các thương hiệu lớn nước ngoài.

Với giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" và tâm huyết đối với ngành ô tô, ông Bùi Ngọc Huyên - ông chủ của Vinaxuki, đã cho ra đời thương hiệu ô tô con Vinaxuki.

Ông Bùi Ngọc Huyên bên chiếc xe hơi của mình

Tuy nhiên các sản phẩm của Vinaxuki được cho là chất lượng thấp và kém an toàn nên không được người dùng đón nhận, mặc dù giá thành rất rẻ so với các thương hiệu ngoại cùng thời.

 

Giấc mộng về thương hiệu xe của người Việt không thành, Vinaxuki lâm vào cảnh thua lỗ từ năm 2009. Đến năm 2015, Vinaxuki dừng cuộc chơi, gạch tên mình khỏi bản đồ của ngành xe ô tô Việt.

Còn về phía Trường Hải, công ty ô tô của ông Trần Bá Dương vẫn trung thành với mảng kinh doanh chính là liên doanh lắp ráp và phân phối ô tô của các thương hiệu lớn như Mazda, Kia, Peugeot... tại Việt Nam.

Trường Hải không ngừng mở rộng sản phẩm từ xe tải, xe con, cho đến xe khách và đến năm 2016, vươn lên đứng số một ở thị phần ô tô Việt Nam. Sau nhiều năm phát triển, công ty đã xây dựng một khu liên hợp sản xuất ô tô lớn và hiện đại tại Chu Lai - Quảng Nam.

Nhà máy sản xuất của THACO ở Chu Lai

VinFast tiếp nối giấc mơ xe hơi của người Việt

Năm 2018, thương hiệu xe VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup đã gây sốt khi mang hai mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 đến triển lãm ô tô quốc tế Paris 2018. Tại triển lãm xe lớn nhất thế giới, VinFast trở thành cái tên được giới truyền thông thế giới chú ý.

Với nguồn lực mạnh, chiến lược bài bản và các bước đi vững chắc, VinFast từng bước chinh phục người dùng Việt. Tháng 6/2019, tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), công ty VinFast đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

 

Với kỷ lục 21 tháng từ khi khởi công, xây dựng đến lắp đặt, chạy thử và chính thức đưa vào vận hành, VinFast là bước ngoặt của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, từ gia công chuyển sang tự chủ sản xuất.

Gần như cùng thời điểm đưa nhà máy vào sản xuất hàng loạt, VinFast bàn giao lô xe đầu tiên cho khách hàng vào cuối tháng 7/2019. Những chiếc ô tô thương hiệu Việt chính thức lăn bánh trên đường phố chỉ sau 21 tháng “khai sinh”, lập kỷ lục thế giới về thời gian có xe thương mại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ô tô thương mại với thương hiệu nội địa, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ các nước có ngành sản xuất ô tô của riêng mình.

Hiện tại, VinFast là 1 trong 4 hãng có doanh số tốt nhất thị trường xe Việt trong 10 tháng năm 2021.

>> Xem thêm: Kia K3 có thêm phiên bản mới tại Việt Nam, giá 689 triệu đồng

Sau màn ra mắt hoành tráng tại Pháp, mới đây, hãng xe VinFast đã đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng nữa, khi tham gia triển lãm ô tô Los Angeles 2021 và chính thức "đặt chân" vào thị trường Mỹ.

 

Bộ đôi VinFast VF e35 (màu đỏ) và VF e36 tại sân khấu LA Auto Show 2021

VinFast “chào sân” thị trường Mỹ bằng hai mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36. Trước đó, VinFast cũng đã công bố chính thức và đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ tại khu vực Playa Vista, thành phố Los Angeles.

>> Xem thêm: Bảng giá xe Audi tháng 12/2021: Thêm sản phẩm mới

Đánh giá về nước đi táo bạo của VinFast, nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu về xe của thị trường Mỹ rất lớn, thương hiệu nào chinh phục được thị trường này sẽ thu được lợi nhuận rất cao. Chính vì vậy, việc chọn “đánh” vào một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới như Mỹ là điều bắt buộc và là một chính sách đúng đắn của VinFast.

>> Xem thêm: Top 10 xe mui trần tốt nhất năm 2021: Porsche 911 Turbo S Cabriolet đầu bảng

Ngoài ra, hiện nay, tâm lý khách hàng Việt nhìn chung vẫn tin tưởng các dòng xe Nhật, Hàn hay châu Âu hơn các thương hiệu xe nội địa, chiến lược chọn “sân chơi” lớn hàng đầu như thị trường Mỹ để chứng minh năng lực và chất lượng sản phẩm là rất hợp lý.

 

>> Xem thêm: Mazda công bố giá bán CX-5 2022: Khởi điểm gần 600 triệu đồng

VinFast có lợi thế lớn khi thu hút rất nhiều “chất xám” là những chuyên gia ô tô và kinh tế giàu kinh nghiệm trên toàn cầu, từng làm việc tại các hãng xe hàng đầu như BMW, Toyota, Chevrolet, Tesla... Với khát khao, tiềm lực và chiến lược của mình, cùng với đó là những bước đi có thể nói là “thần tốc” của VinFast trong 4 năm qua, cơ hội cho hãng xe Việt Nam trên đất Mỹ đang mở ra rất nhiều.

Bảng giá xe
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm