Kinh doanh

TP.HCM: Cần phát triển dịch vụ phục vụ tại các khu công nghiệp

DNVN - Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như các dịch vụ phục vụ sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như thiết kế, nghiên cứu - phát triển, giám định, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ còn ít; phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người lao động còn hạn chế...

Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, tính đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 590 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 270 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019. Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 7.430 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban HEPZA cho rằng thu hút mới đầu tư nước ngoài giảm là do ảnh hưởng dịch Covid-19, làm hạn chế đi lại của nhà đầu tư. Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng vốn do nhà đầu tư của một số dự án lớn đã khảo sát, nghiên cứu khả thi, xây dựng phương án đầu tư và đàm phán thuê đất trong thời gian dài trước đó, một số dự án nước ngoài đang hoạt động mở rộng sản xuất, điều chỉnh tăng vốn.

Theo lãnh đạo HEPZA, từ kết quả thu hút đầu tư nhận thấy rằng xu hướng nhu cầu về dịch vụ phục vụ công nghiệp: Kho vận, logistics, nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng 1 tầng, hiện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện nay do Covid-19. Các nhà đầu tư vẫn tiến hành thuê đất, triển khai xây dựng tạo quỹ kho, xưởng để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhu cầu về dịch vụ phục vụ công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Nhu cầu về dịch vụ phục vụ công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Cụ thể, nước ngoài có 2 dự án trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp với vốn đầu tư hơn 81 triệu USD, chiếm 89% tổng vốn thu hút nước ngoài, trong đó có dự án của Công ty SG Logistics (80 triệu USD, quỹ đất sử dụng 19ha); trong nước có 18 dự án, vốn thu hút 93,23 triệu USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư thu hút trong nước, trong đó có 6 dự án của các Công ty phát triển hạ tầng đầu tư xây dựng.

Theo HEPZA, trong quá trình phát triển và hội nhập, một số bất cập đã bộc lộ trong vận hành của hệ thống khu chế xuất, khu công nghiệp như việc phát triển chưa đồng bộ giữa xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng; các dịch vụ phục vụ sản xuất còn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như thiết kế, nghiên cứu - phát triển, giám định, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ còn ít; dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người lao động còn hạn chế... Cùng với quá trình sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, khu vực dịch vụ bước đầu đã hình thành và phát triển.

Tính đến nay, HEPZA đã thu hút được gần 100 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, dịch vụ thương mại, chưa kể các dịch vụ của các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng. Trong đó, hơn một nửa là dự án của doanh nghiệp đầu tư trong nước và còn lại dự án doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các loại hình hoạt động hỗ trợ sản xuất đã được đầu tư như cho thuê kho bãi, nhà xưởng, thương mại, cung cấp xăng dầu; các loại hình hoạt động chăm lo cho người lao động như chăm sóc sức khỏe, cung cấp suất ăn công nghiệp, nhà lưu trú, trung tâm sinh hoạt công nhân...

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư, theo báo cáo của doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 45 dự án tạm ngừng hoạt động (tuy nhiên, đã có 42 dự án hoạt động trở lại), 34 dự án xin giãn tiến độ thực hiện. Một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, có nhà xưởng để trống đã đăng ký bổ sung chức năng cho thuê một phần hoặc cho thuê toàn bộ nhà xưởng; có 8 doanh nghiệp bổ sung chức năng cho thuê nhà xưởng, tăng 3 doanh nghiệp so với cùng kỳ của năm 2018 (5 doanh nghiệp) và năm 2019 (5 doanh nghiệp).

Đồng thời, một số doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp tục thực hiện dự án, phải chấm dứt dự án và chuyển nhượng đất, nhà xưởng cho các nhà đầu tư mới; trong 57 dự án cấp mới, có 19 dự án nhận chuyển nhượng đất, xưởng từ các dự án hiện hữu

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo