Kinh hoàng rau muống bị tưới nhớt thải để diệt sâu
Tin tức trên báo Tuổi trẻ, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP. HCM, cho biết đơn vị vừa bắt quả tang một hộ nông dân ở xã Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP. HCM) đang tưới nhớt thải, hóa chất lên ruộng rau muống.
Theo PC49, sáng 9/1, đoàn bất ngờ kiểm tra ruộng rau muống tại ấp 8 (xã Bình Mỹ) của bà Chu Thị Lam (33 tuổi, quê tỉnh Hà Nam, tạm trụ TP. HCM). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện bà Lam đang đổ một lượng lớn nhớt thải xuống ruộng rau muống khoảng 500m2.
Bà Lam khai nhận từ lúc gieo hạt trồng rau muống đến khi thu hoạch chỉ hơn 20 ngày. Ngoài sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất tăng trưởng cho rau muống, bà Lam còn thu mua nhớt thải 12.000 đồng/lít tại nhiều tiệm sửa xe để tưới rau muống diệt sâu rầy.
Ông Dương Đức Trọng - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TP. HCM cho biết, một số nông dân truyền tai nhau dùng nhớt thải như phương pháp rẻ và hiệu quả nhất trong việc trừ rầy. Sau khi thu hoạch, rau muống non mọc lên sẽ bị rầy tấn công nên họ đưa nước vào ruộng cho ngập gốc rồi đổ nhớt xuống. Báo Zing news thông tin.
Khi nhớt lan đều ra xung quanh, nông dân dùng sào nhấn rau non ngập xuống nước cho rầy rơi ra, dính nhớt và chết đi. Khoảng vài giờ sau khi diệt rầy, nông dân phải tháo nước nhiễm nhớt ra khỏi ruộng để rau không bị cháy. Vị Chi cục trưởng phủ nhận chuyện tưới nhớt thải là để rau muống tăng trưởng mạnh.
Do người dân lén lút sử dụng nhớt thải nên việc kiểm tra rất khó khăn, phải mai phục nhiều đêm mới phát hiện. Tuy nhiên, khi bắt quả tang thì Chi cục chỉ phạt hành vi sử dụng chất không có trong danh mục cho phép nên nông dân cũng có phần không sợ", ông Trọng chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP. HCM cho biết, Sở đang kết hợp với nhiều lực lượng đẩy mạnh kiểm tra công tác trồng rau từ các nguồn cung cấp cho người dân TP. HCM. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm và yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền ngăn chặn tình trạng sử dụng nhớt thải.
Theo bà Cúc, việc sử dụng nhớt thải chỉ mới phát hiện trên một số nông dân ở xã Bình Mỹ, nhưng thông tin này ảnh hưởng đến những người trồng rau chân chính khác.
"Sở tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trồng rau theo phương pháp an toàn và áp dụng tiêu chuẩn VietGap không chỉ ở xã Bình Mỹ mà tại nhiều địa bàn trồng rau lớn của TP. Nếu nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn này, Sở sẽ hỗ trợ đưa rau vào các siêu thị hoặc chợ lớn, không còn lo rớt giá.", bà Cúc nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo