Kinh tế Ấn Độ lộ “gót chân Asin”
Đối với một quốc gia còn nghèo như Ấn Độ, tăng trưởng cao chính là sức hút duy nhất để kêu gọi các nhà đầu tư. Vì thế, từ những năm 1990, với khẩu hiệu "India Shining" (Ấn Độ tỏa sáng), Chính phủ đã liên tiếp ban hành các chính sách tăng trưởng kinh tế.
Những chính sách này nhanh chóng phát huy hiệu quả và Ấn Độ đã trở thành ngôi sao tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những rắc rối của kinh tế Ấn Độ bắt đầu xuất hiện từ vài năm nay khi tăng trưởng GDP hàng năm đã giảm 5 điểm % từ năm 2010.
Đặc biệt, trong vòng 8 tháng qua, đồng Rupee đã mất giá 25% giá trị so với USD, trở thành đồng tiền bị mất giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Đồng nội tệ yếu đã khiến lạm phát, vốn đã ở mức trên 7% tiếp tục leo thang và nhập khẩu hàng hóa vào Ấn Độ trở nên đắt đỏ hơn.
Theo các chuyên gia, sự giảm tốc của kinh tế Ấn Độ sẽ dẫn tới thảm họa do các nhà đầu tư rút vốn vì mất niềm tin. Mặc dù New Dehli thường xuyên đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã đem lại những thách thức cho kinh tế Ấn Độ, nhưng chính sự điều hành yếu kém của Chính phủ mới là "gót chân Asin" của quốc gia mới nổi này.
Quốc hội Ấn Độ đã ở trong tình trạng gần như tê liệt kể từ khi Chính phủ liên minh của nước này gặp rắc rối bởi một làn sóng bê bối tham nhũng liên quan tới các thành viên cấp cao của nội các.
Những chương trình cải cách then chốt, bao gồm cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ của Ấn cũng như thông qua một bộ luật cho phép việc thâu tóm đất đai để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng vì vậy đã bị mắc kẹt ở Quốc hội đã hơn một năm nay.
Các nhà phân tích cũng bày tỏ lo ngại, nếu các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ không hành động nhanh chóng để đưa nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này trở lại quỹ đạo tăng trưởng, một kịch bản tương tự như cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp sẽ phá hủy toàn bộ thành quả phát triển của Ấn Độ trong những năm qua.
Theo Kinh tế đô thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo