Thị trường

Kinh tế chia sẻ “đặt hàng” gì cho chính sách?

Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác vẫn tồn tại tranh cãi về nghĩa vụ thuế, đặc biệt là vấn đề thu thuế của DN cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, vấn đề về tránh đánh thuế hai lần... Hiện vẫn chưa có một hình mẫu chung cho việc giải quyết các vấn đề này.

Tăng nhanh quy mô và loại hình

Mặc dù mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) đang phát triển hết sức mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian gần đây, song gần như vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về mô hình kinh doanh mới này. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, nổi lên 3 loại hình dịch vụ KTCS là vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng. Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã hình thành như du lịch, chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực...

Phát triển mạnh mẽ nhất chính là dịch vụ vận tải trực tuyến. Tính đến năm 2017, theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), cả nước có 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm; trong đó trên địa bàn TP.HCM có 506 đơn vị vận tải, 3 nhà cung cấp phần mềm, 21.600 xe tham gia thí điểm; Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm, 15.046 xe...

Việc thu thuế của các mô hình kinh tế chia sẻ là bài toán khó làm đau đầu nhiều quốc gia

Thống kê sơ bộ của Sở GTVT TP.HCM cũng cho thấy, riêng trên địa bàn này, tốc độ tăng số lượng xe hợp đồng điện tử theo mô hình KTCS là rất cao. Số lượng năm 2015 và 2016 lần lượt tăng gấp gần 10 lần các năm trước liền kề. Tỷ lệ tăng năm 2017 so với năm 2016 cũng lên tới 38,2%.

Trong khi dịch vụ chia sẻ phòng ở là loại hình tương đối mới, giúp cho người đặt phòng và người có phòng trống kết nối với nhau thông qua ứng dụng đặt phòng trực tuyến, điển hình các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng là Airbnb, Expedia, Gotadi... Theo ước tính, có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam tính đến tháng 6/2017 và còn nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng đăng ký ở các ứng dụng khác.

Cuối cùng, dịch vụ cho vay ngang hàng là mô hình kinh doanh sử dụng nền tảng trực tuyến để kết nối NĐT với cá nhân hay DN muốn vay vốn mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức hoàn toàn khác biệt với mô hình vay truyền thống. Tại Việt Nam, mô hình này xuất hiện vào năm 2016 và hiện có khoảng gần 10 công ty như huydong.com, Tima, SHA, Mobivi, vaymuon.vn…

Một số dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như cung cấp nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng tour Việt Nam cung cấp cho khách du lịch khắp nơi trên thế giới (Triip.me), dịch vụ ăn uống, lao động, hàng hóa tiêu dùng; cung cấp ứng dụng điện thoại kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ như dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng (Rada); hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cũng bắt đầu nhen nhóm.

Nhận diện rủi ro

 

Đánh giá về những lợi ích của mô hình KTCS, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó viện trưởng CIEM cho rằng, trước hết mô hình này giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nhờ tận dụng tối đa công suất từ tài sản dư thừa, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Lợi ích thứ hai là giúp giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế. Bởi với các nền tảng trực tuyến, người mua và người bán nhanh chóng tìm được nhau. Nhờ tương tác trực tiếp giữa người mua và người bán, những khâu trung gian và kết nối cung cầu có tính chất trung gian sẽ giảm đi. Lợi ích cơ bản thứ ba của KTCS trên thế giới cũng như ở Việt Nam là góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng.

“KTCS thật ra là vận dụng công nghệ số, mở ra cơ hội phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các DN khởi nghiệp có động lực hơn. Đây là cơ hội cho việc hình thành các mô hình kinh doanh mới mà vẫn tận dụng được hiệu quả các nguồn lực đang có của xã hội”, bà Tuệ Anh phân tích.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đi cùng với sự tăng trưởng nhanh về tốc độ là tính tự phát cao của mô hình KTCS. Trong khi hiện nhà nước còn chưa có đầy đủ chính sách quản lý thích ứng với loại hình dịch vụ này. Ngay cả dịch vụ vận tải, dù được chú ý hơn với chính sách cho phép thí điểm, nhưng bản thân chính sách cho loại hình này cũng vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất và cần hoàn thiện hơn.

Theo đó, đây là mô hình làm phát sinh nhiều vấn đề mới đối với cơ quan quản lý. Trước hết, KTCS làm thay đổi quan hệ hợp đồng kinh tế theo hướng ít nhất là quan hệ 3 bên thay vì 2 bên như trước đây. Vì vậy khung khổ pháp lý quy định trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ hợp đồng này cần được thay đổi và bổ sung.

Bên cạnh đó là rủi ro về xung đột lợi ích giữa người mua và người bán do các bên có thông tin về nhau nhưng việc kiểm chứng thông tin và tiếp xúc trực tiếp với nhau lại ít hơn.

 

Rủi ro khác là cạnh tranh không công bằng do xung đột lợi ích giữa DN kinh doanh theo mô hình KTCS và DN kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ xảy ra. Hầu hết xung đột này là hết sức gay gắt nếu như không có chính sách tốt của chính quyền với vai trò trọng tài.

Cuối cùng, rủi ro về thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác vẫn tồn tại tranh cãi về nghĩa vụ thuế, đặc biệt là vấn đề thu thuế của DN cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, vấn đề về tránh đánh thuế hai lần... Hiện vẫn chưa có một hình mẫu chung cho việc giải quyết các vấn đề này.

Đối với Việt Nam, ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT) cho rằng, để phát triển mô hình KTCS, cần tập trung vào một số nhóm chính sách nhất định. Trước hết, phải có con người đủ điều kiện, trình độ học vấn. Tiếp theo cần có nền tảng công nghệ phù hợp, trong đó tối thiểu là nền tảng công nghệ thông tin phù hợp. Điều kiện cuối cùng là có môi trường pháp lý phù hợp.

Ông Mai khẳng định, hiện nay tất cả các chính sách của Chính phủ đều tập trung vào việc phát triển nhân lực, nâng cao tiềm lực khoa học và tiềm lực thể chế, nhằm bắt kịp các thành tựu, xu thế mới. Trong tương lai khi đã có bước đi cụ thể hơn sẽ có bước đầu tư cụ thể hơn, các ngành đào tạo ở cấp khác nhau tạo ra cú hích cho triển khai mô hình KTCS ở Việt Nam.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo