Kinh tế đầu năm với nhiều tín hiệu tích cực
Tuy nhiên, tháng 1, mới chỉ là tháng đầu tiên của năm 2018, nên rất khó để nhận định về những diễn biến của kinh tế trong khoảng thời gian này.
>> Xem thêm: TIN HOT NGÀY 3/2: Ông Đinh La Thăng kháng cáo, giá xăng dầu sẽ không tăng trong dịp Tết Nguyên đán
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, riêng tháng 1 là thời điểm cận Tết Nguyên đán, do đó các con số có thể sẽ tích cực hơn, nhưng cũng chưa nói lên được điều gì nhiều nếu so với cùng kỳ năm trước bởi nó chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tính mùa vụ.
Theo Tổng cục Thống kê, có một con số đáng chú ý từ khu vực doanh nghiệp, đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Trong tháng 1/2018, cả nước có tới gần 11.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 98.300 tỷ đồng.
Nếu so với con số gần 9.000 doanh nghiệp mới ra đời của cùng kỳ năm 2017 thì lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu tiên của năm 2018 tăng 20,6% và tăng 8,9% về số vốn đăng ký.
Nếu tính cả 218.100 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 1/2018 là 316.400 tỷ đồng.
Điều này đã phần nào đó chứng tỏ niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang ngày càng tăng lên.
Cũng trong tháng đầu tiên của năm 2018, nền kinh tế cũng ghi nhận vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 16.175 tỷ đồng, bằng 4,9% kế hoạch năm và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài, kỳ vọng các nguồn vốn này được sử dụng có hiệu quả sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một điểm nhấn đáng lưu ý trong tháng là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng 1 như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,8%, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như khai thác quặng kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, khai thác than cứng và than non, sản xuất kim loại, sản xuất trang phục...
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ.
Giải thích về nguyên nhân khiến CPI tháng 1/2018 tăng mạnh, bà Đỗ Thị Ngọc, quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, do hai mặt hàng thiết yếu là giá điện và xăng dầu tăng.
Ngoài ra, gần Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở cũng tăng.
Chưa kể, giá vé tàu hỏa tăng vào dịp cuối năm, giá dịch vụ y tế tăng… góp làm tăng CPI chung.
Liên quan đến xuất nhập khẩu, một kết quả rất đáng phấn khởi là trong tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả ước đạt hơn 38 tỷ USD, trong đó trị giá xuất khẩu của cả nước ước đạt 19 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước, con số này tăng khoảng 39,9%.
Đáng chú ý, đóng góp lớn cho thành tích xuất khẩu này chính là 5 nhóm hàng xuất khẩu trong tốp “tỷ đô”, trong đó, dẫn đầu là nhóm điện thoại và linh kiện các loại ước tính đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 80,7% so với cùng kỳ 2017.
Tiếp đó, nhóm hàng dệt may ước đạt 2,3 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính đạt 2,2 tỷ USD, nhóm hàng giày dép ước tính đạt 1,3 tỷ USD, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 1,05 tỷ USD, tất cả đều tăng so với năm 2017.
Lý giải một phần cho kết quả này, theo các chuyên gia kinh tế, nhập khẩu 2018 có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. Trước hết là do những cải thiện trong quan hệ hợp tác của Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
Cùng với đó, tăng trưởng tốt hơn của các đối tác chính của Việt Nam trong năm 2018 kéo theo những tác động tích cực cho nhu cầu về hàng hoá Việt Nam.
Giá cả các mặt hàng chính cũng được dự báo sẽ hồi phục trở lại trong năm sau, điều này sẽ giúp nâng cao kim ngạch thương mại cho Việt Nam.
Ngoài ra, sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước cũng góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế trong tháng 1 lại có một số lĩnh vực có kết quả đạt thấp hơn so với năm 2017.
Theo đó, trong tháng 1/2018 có gần 1,25 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, con số này chỉ bằng 75,9% so với cùng kỳ 2017.
Tuy nhiên, trái ngược với vốn đăng ký, giải ngân FDI lại đạt 1,05 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm ngoái. Hàn Quốc, Singapore tiếp tục là những nước có vốn đổ vào Việt Nam nhiều nhất.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký cấp mới trong tháng 1/2018 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 (chỉ đạt 35% so với 2017) do trong tháng 1/2017 có nhiều dự án quy mô vốn từ 100 tới gần 300 triệu USD được cấp phép (chiếm hơn 71% tổng vốn đăng ký cấp mới) trong khi đó trong tháng 1/2018 không cấp phép mới dự án nào trên 100 triệu USD.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp như: diện tích gieo cấy lúa đông xuân, diện tích gieo trồng ngô, khoai lang, đậu tương... đều giảm so với năm 2017.
Đặc biệt, riêng chăn nuôi lợn, mặc dù giá thịt lợn hơi trong tháng giáp Tết có xu hướng tăng nhẹ nhưng do chi phí không giảm nên người chăn nuôi e ngại tái đàn; các gia trại, trang trại và doanh nghiệp tiếp tục nuôi nhưng có xu hướng phát triển cầm chừng, không tăng quy mô tổng đàn. Ước tính trong tháng 1, đàn lợn giảm 5,4%.
Dự báo về tình hình kinh tế xã hội trong tháng 2, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 2 có đặc thù là tháng đón Tết âm lịch, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, du lịch sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, số ngày làm việc thực tế của tháng 2 năm 2018 chỉ có 16 ngành do tác động của kỳ nghỉ Tết âm lịch nên khi so sánh cùng kỳ năm 2017 không có kỳ nghỉ Tết dự kiến kết quả sẽ đạt thấp.
Để đảm bảo hiệu quả triển khai nhiệm vụ trong tháng 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc ban hành về triển khai thực hiện ngay chương trình hành động, chỉ thị, văn bản chỉ đạo cụ thể thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, tập trung hoàn thành việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ những tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, tăng cường phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn người dân kỳ thuật phòng tránh rét cho gia súc; đồng thời, cần ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái…; trong đó, giám sát chặt việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới; triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh du lịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?