Kinh tế khó khăn, lại bàn chuyện thất nghiệp
Theo những số liệu của các Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, từ đầu tháng 2 đến 21/2, các trung tâm này đã tiếp nhận 1.055 người lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, từ đầu năm đến nay đã có 2.522 người đăng ký thất nghiệp. Với số lượng lao động đăng ký thất nghiệp nói trên, bất chấp thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng số lượng người lao động trên địa bàn Hà Nội đăng ký thất nghiệp vẫn tăng đến 2,8 lần so với tháng 2/2011.
Cũng trong tháng 2 năm nay, đã có 1.969 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 1.585 thất nghiệp thực sự và đã có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm này. Như vậy, cả số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và số người thất nghiệp từ đầu năm đến nay đều tăng mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm thì lao động làm việc ở các công ty TNHH vẫn chiếm tỷ lệ đăng ký thất nghiệp cao nhất với 58,4%, lao động của các công ty cổ phần chiếm 21,5% và đứng thứ hai. Điều này phản ánh đúng thực tế khó khăn của hai loại hình doanh nghiệp này trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Về đối tượng lao động, lực lượng lao động phổ thông là đối tượng đăng ký thất nghiệp nhiều nhất khi chiếm tới khoảng 70% tổng lao động thất nghiệp và họ cũng là đói tượng dễ rơi vào thất nghiệp nhất.
Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng của thành phố thì tình hình thất nghiệp tăng cao là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tiết giảm lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu bị bó hẹp thị trường, đơn hàng ít...
Bên cạnh đó, việc 200 lao động của công ty TNHH thương mại và xây dựng Thủy Lộc (nhà phân phối độc quyền mỹ phẩm SHISEIDO) bị thất nghiệp do công ty này xảy ra tranh chấp về sản phẩm với một công ty của Nhật Bản vào hồi tháng 1 cũng là sự việc kéo theo một lượng lao động không nhỏ đến con đường thất nghiệp.
Trước tình hình kinh tế còn diễn biến khó khăn như hiện nay, các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, số người đăng ký thất nghiệp sẽ vẫn tiếp tục tăng cao và vượt xa so với năm 2011.
Thực tế thị trường việc làm tại Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn khi nhu cầu lao động phổ thông đang ít dần, thậm chí nhu cầu nguồn lao động này đang mất dần. Thay vào đó, các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm lực lượng lao động chất lượng cao, có bằng đại học, cao đẳng.
Trong phiên giao dịch vừa qua tại Hà Nội, có gần 400 lao động được tuyển dụng, nhưng phần lớn ở trình độ đại học, cao đẳng. Trong khi đó, nếu theo cơ cấu tuyển dụng về trình độ nghề, nhu cầu tuyển công nhân, lao động trực tiếp sản xuất chiếm tới 60% tổng số việc làm, mà 40% nhu cầu đó lại dành cho công nhân kỹ thuật lành nghề, sơ cấp nghề, trung cấp nghề.
Con số này trên thực tế rất khó tuyển vì lao động qua đào tạo của thị trường lao động Việt Nam còn rất hạn chế, đó còn chưa nói đến lao động có tay nghề cao.
Một số liệu khác từ Ban quản lý Khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cho thấy, trong số hơn 115.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trực thuộc, phần lớn là lao động trong ngành điện tử (65%), sau đó là ngành cơ khí (15%), ngành xây dựng (8%). Nhưng thống kê cũng cho thấy, 65% lao động chưa qua trường nghề.
Trong khi nhu cầu của các khu công nghiệp là lựa chọn lực lượng lao động có tay nghề vững và đã qua đào tạo cơ bản.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối đồng bộ để có thể bao quát được cung - cầu nên việc cập nhật thông tin việc làm và lao động còn nhiều hạn chế.
Vì thế, theo các chuyên gia lao động, người lao động cần chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình dự tuyển tại doanh nghiệp hòng tìm kiếm cơ hội việc làm có thu nhập ổn định.
Theo Phan An (NĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết