Kinh tế khó khăn, nghề lộc lá cũng héo hắt
Khỏe vẫn “ốm lăn, ốm lóc”
Giám đốc một công ty sản xuất và chế biến mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội cho biết: “Khi gặp một số doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề khác, họ thường chúc mừng tôi vì chọn ngành kinh doanh khôn ngoan, không bị ảnh hưởng bởi thời khó. Nhưng mấy ai hiểu được, tôi cũng chẳng hơn gì họ. Trước đây, các mặt hàng như gạo, đậu đỗ của công ty tiêu thụ khá tốt nhưng gần hai năm trở lại đây sức mua giảm hẳn. Vì nhiều gia đình, đại lý kinh doanh thực hiện chiến lược siêu tiết kiệm: người tiêu dùng thì nhờ người nhà ở quê mua lúa, xay xát, sau đó gửi ô tô lên để sử dụng dần; còn đại lý, siêu thị thì mua “lúa non”, mở kho dự trữ ở quê sau đó xay xát, vận chuyển theo đợt… Trong khi đó, đọng hàng lương thực còn nguy hiểm hơn nhiều ngành khác khác vì nó đòi hỏi bảo quản khá khắt khe, sơ sểnh là bị ẩm mốc, chỉ có nước… bỏ đi”.
Cũng theo vị giám đốc này, hiện công ty không chỉ khó khăn trong khâu tiêu thụ mà còn gặp khó bởi lãi vay ngân hàng quá cao.
Kinh doanh mặt hàng được cho là nhiều “lộc lá” như gas song ông Lý Trần Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Ngọn Lửa Thần cũng bày tỏ với PV Báo GĐ&XH rằng: “Hiện tại sức tiêu thụ gas của Công ty đã sụt giảm đến 30%, có những tháng sụt giảm đến 50% vì nhiều người tiêu dùng chuyển sang nấu than hoặc một nhóm người chuyển sang nấu bếp từ. Cách tính lợi nhuận của công ty vẫn không đổi, trong khi doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất 19,9%/năm ngay cả khi quyết định hạ lãi suất nợ cũ xuống dưới mức 15%/năm đã có hiệu lực. Hiện tại chúng tôi đang vay hai gói, một gói là 10 tỷ đồng với mức lãi suất là 19%/năm và một gói 2 tỷ, lãi suất vẫn duy trì ở mức 16%”.
Cũng theo ông Dũng, cuối năm 2009, với mức lãi suất 0,8%/năm khi đó Việt Nam đang nằm trong tốp 30 bán lẻ của thế giới và đến tháng 4/2011 lãi suất tăng lên 20%/năm, tháng 8/2011 lãi suất tiếp tục lên mức kỷ lục 24%/năm thì Việt Nam lại bị mất tốp, sức mua giảm.
Một nghịch lý về lãi suất cũng được giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu đề cập là tháng 6/2012 vừa qua, Nhà nước yêu cầu giảm mức lãi suất xuống còn 16%/năm nhưng doanh nghiệp ông không được vay với lãi suất Nhà nước quy định. Ngân hàng đề nghị doanh nghiệp viết đơn để… tự nhận mình sai phạm (không đầy đủ các điều kiện để hưởng lãi suất ưu đãi mà Nhà nước quy định) và công ty phải vay theo lãi suất thỏa thuận.
Theo thông tin từ Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), hội đã tiếp nhận đơn "kêu cứu" vì thiếu vốn của 11 doanh nghiệp thành viên. Phần lớn các doanh nghiệp này không đáp ứng nổi những điều kiện mà ngân hàng đưa ra, không còn tài sản để thế chấp và vướng nợ cũ lãi cao.
Ông Lý Trần Dũng bộc bạch: “Công ty đã cho nghỉ việc gần 50 người. Có những cuộc chia tay giữa người lao động và doanh nghiệp rất bịn rịn. Vì lỗi này không phải do người lao động không làm được việc, cũng không phải do doanh nghiệp không tạo ra sản phẩm mà do… lãi suất quá cao, sản phẩm tiêu thụ giảm. Ngày chia tay không ai nói với ai một lời, có thể họ trách tôi nhưng tôi thì trách… lãi suất. Có những nhân viên đã gắn bó với công ty gần 20 năm nhưng vẫn phải nghỉ việc và họ cũng chưa biết làm gì để sống. Trước đây công nhân, nhân viên được khuyến khích làm thêm để tăng thu nhập nhưng hiện tại công nhân, nhân viên tại công ty của tôi không được khuyến khích việc này nữa”.
Còn ông Nguyễn Đức Vịnh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu và Thương mại HT, chuyên sản xuất thủy sản đông lạnh bùi ngùi: “Từ đầu năm đến nay công ty đã buộc phải cho 35 nhân viên nghỉ việc vì sức tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh, xuất khẩu gặp khó khăn, sản xuất đình đốn trong khi lãi suất phải trả quá cao. Hiện công ty đang vay ngân hàng 6 tỷ đồng với lãi suất 19%/năm, lãi phải trả 100 triệu đồng/tháng. Khi lãi suất hạ xuống 15% thì mỗi tháng khoản lãi phải trả giảm được gần 20 triệu đồng nhưng vẫn khiến chúng tôi ngộp thở”.
Buộc phải cho nhân viên nghỉ việc trong khi không phải lỗi của họ khiến rất nhiều chủ doanh nghiệp đau lòng. Nhưng tình thế bắt buộc, họ phải tự bơi để cứu mình trước thay vì cùng ôm nhau chết chìm một lúc.
“Nhận” nhanh mà “cho” thì chậm Khi lãi suất huy động giảm xuống 9-10% thì các ngân hàng áp dụng nhanh chóng nhưng khi chủ trương giảm lãi suất cho vay họ lại áp dụng rất chậm. Theo quy định của NHNN lãi suất giảm xuống 15%/năm sau ngày 15/7 nhưng trên thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cận mức lãi suất này do các điều khoản cho vay của ngân hàng khá khắt khe. Chẳng hạn theo quy định tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), để được giảm lãi suất nợ cũ, khách hàng phải thỏa mãn đồng thời tới 5 điều kiện: Sử dụng đúng mục đích vay; tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận pháp lý về cấp tín dụng với ngân hàng; được đánh giá là khách hàng thuộc nhóm cấp tín dụng bình thường…
“Với mức lãi suất 8 - 12%/năm doanh nghiệp đã vay để đầu tư xây dựng nhà máy, dự trù khấu hao là 6 năm nhưng mới được 3 năm lãi suất đột ngột tăng lên 24%/năm, rơi vào cảnh bế tắc, khó khăn tột cùng. Trong khi đó, sức tiêu thụ sản phẩm sụt giảm, lương công nhân tăng theo lộ trình. Với mức lãi suất cao đột ngột này chỉ cần tiêu thụ giữ nguyên doanh nghiệp đã lỗ nặng, huống chi cầu sụt giảm mạnh, hàng hóa ngưng trệ. Nếu biết là 15% hay 24% thì không ai đi vay làm gì cả. Trong hoàn cảnh khó khăn lẽ ra ngân hàng phải chia sẻ, không nên để ôm nhau mà chết”. Ông Lý Trần Dũng TGĐ Cty CP gas Ngọn Lửa Thần |
Theo GĐ&XH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines