Thị trường

Kinh tế khởi sắc từ quý II

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục u ám, phục hồi chậm song vẫn có những cơ hội cho kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển

Những dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2012 của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều tỏ ra khá dè dặt dù cho rằng nếu dự báo chính xác, phản ứng và điều hành tốt, Việt Nam vẫn có thể tìm được cơ hội trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Với độ mở nền kinh tế cao cộng với những yếu kém nội tại sau nhiều năm tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư, Việt Nam đang trở thành nền kinh tế “nhạy cảm”.

 

Nhiều áp lực

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục u ám, phục hồi chậm song vẫn có những cơ hội cho Việt Nam.

 

Trước hết, xuất khẩu sẽ không đến mức quá khó khăn vì cơ cấu hàng xuất của Việt Nam chủ yếu là nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, khai khoáng nên ít thuộc diện bị tiết giảm khi người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều dòng vốn đầu tư rút khỏi các nền kinh tế rối loạn sẽ tìm đến thị trường đầu tư ổn định như Việt Nam.
 
Trong bối cảnh này, PGS-TS Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng vấn đề là Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn về những khó khăn của nền kinh tế thế giới để có thể tránh được các ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng được lợi thế để phát triển.
 

Một lợi thế khác của Việt Nam, theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam có thể tạo ra nguồn lực phát triển mới vì đã mạnh dạn tái cấu trúc 3 lĩnh vực rất phức tạp là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng.

 

Tuy vậy, sức ép đối với nền kinh tế Việt Nam cũng rất lớn như ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, từng đánh giá: “Kiềm chế lạm phát phải hy sinh tăng trưởng”. Năm 2012, việc đánh đổi này sẽ thể hiện rõ hơn đối với nền kinh tế Việt Nam, các con số dự báo tăng trưởng GDP đều ở mức dưới 6%. Tuy con số này đã thấp hơn 1%-1,5% so với tăng trưởng của giai đoạn trước nhưng vẫn là chỉ tiêu khó đạt được trong bối cảnh chính sách vĩ mô phải vừa hết sức chặt chẽ nhưng cũng phải linh hoạt trong thắt chặt chính sách tiền tệ. 

 

Lãi suất nên giảm 4%-5%

 

Trong năm 2012, với chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, nguy cơ sản xuất bị đình đốn là rất cao. Đây cũng là áp lực lớn đối với công tác điều hành của Chính phủ trong năm nay.


Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết năm nay, có cơ sở để ổn định được thị trường tiền tệ. Với cách điều hành nhất quán của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá ngoại tệ sẽ ổn định hơn, dự kiến chỉ tăng khoảng 2% - 3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng khoảng 10% duy trì từ nhiều năm qua.

 

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhân tố quan trọng hàng đầu giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khó khăn trong năm 2012 là giảm lãi suất phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, cần giảm 4%-5% so với lãi suất hiện hành. Ủy ban này tính toán mức giảm lãi suất như trên có thể giúp nền kinh tế tiết giảm khoảng 100.000 tỉ đồng chi phí sản xuất đầu vào và giá thành.

 

Trong thông điệp phát đi tại nhiều cuộc họp vào cuối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngân hàng phải tập trung mọi giải pháp để giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2012, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, ổn định công ăn việc làm. Song mục tiêu này đang vấp phải trở ngại lớn vì các ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản dù lạm phát đã tăng chậm liên tục trong những tháng cuối năm rồi.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố lãi suất ngân hàng chỉ có thể giảm từ quý II . “Khó nhất trong điều hành năm nay là làm sao hạ được lãi suất. Cung tiền nhiều, cầu ít thì mới hạ lãi suất. Sau quý I/2012, giải xong bài toán thanh khoản và môi trường kinh tế trở nên ổn định hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính đến hạ lãi suất” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết.
Theo NLĐ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo