Kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều khởi sắc
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), bức tranh kinh tế và những hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Khảo sát 62 doanh nghiệp trong khu vực do (VCCI Cần Thơ) thực hiện cho thấy, hơn 87% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và chỉ có khoảng 13% số doanh nghiệp kinh doanh xấu đi, số còn lại hoạt động trung bình.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu vực đạt 8,2 tỉ USD, tuy chỉ bằng 6 tháng đầu năm 2016, nhưng trước điều kiện và cơ hội từ thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay dự kiến sẽ tăng cao, ĐBSCL tiếp tục sẽ là khu vực có giá trị xuất khẩu gia tăng.
Một trong những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả phải kể đến công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây chuyên xuất khẩu mặt hàng trái cây đông lạnh và đồ hộp của Việt Nam. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu gần 20 ngàn tấn trái cây các loại, doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng/năm.
Từ đầu năm đến nay, việc kinh doanh của công ty hoạt động ổn định. Mới đây, công ty vừa xây dựng thêm một nhà máy chế biến dứa có công suất 500 héc ta/năm. Nhà máy này có hệ thống đông lạnh rất hiện đại, đáp ứng đơn đặt hàng cả trăm ngàn sản phẩm trong một năm. Hướng tới công ty sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ để phù hợp với nhu cầu hiện nay.
Ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây cho biết, Hiệp định CPTPP sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tham gia hiệp định CPTPP đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Westfood có hơn 50% doanh thu xuất khẩu đi vào thị trường Nhật Bản.
Bà Phùng Thị Lan Phương, chuyên gia của VCCI Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL thông thường tăng vào những tháng cuối năm. Do đó năm nay, ĐBSCL sẽ là một trong những khu vực có kim ngạch xuất khẩu cao trong cả nước.
Bà Phương cho biết thêm từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các tỉnh trong khu vực ĐBSCL mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Về nhập khẩu các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều vì CPTPP sẽ miễn giảm thuế từ các nước thành viên.
Theo nhận định của các doanh nghiệp trong khu vực, vào những tháng cuối năm hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi hơn do hiện nay các doanh nghiệp đã có nhiều đơn đặt xuất khẩu và sẽ được triển khai đại trà trong cuối năm nay. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất trong khu vực ĐBSCL, góp phần thúc đẩy kinh tế cả nước cùng phát triển.
Đối với nhóm doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn trong sáu tháng đầu năm, nguyên nhân là do biến động nguyên liệu đầu vào, nhất là với một số doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến, phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để bổ sung. Các doanh nghiệp trong nhóm ngành thủy sản cũng khó khăn về đầu ra do thị trường Châu Âu (EU) kiểm soát kỹ tiêu chuẩn chất lượng với nhiều rào cản kỹ thuật.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 6 trong khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm. Nguyên nhân giảm là do Trung Quốc, một thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam tạm ngưng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Phương Lam cho biết, trong 6 tháng cuối năm VCCI Cần Thơ sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn này.
Ông Nguyễn Phương Lam cũng cho biết, để chủ động trong sản xuất kinh doanh, không cách nào khác các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm để đi sâu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và EU, không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Mặc khác nông dân nuôi tôm, cá tra và cá basa sản xuất phải tuân theo quy hoạch của địa phương; không vì lợi nhuận cao mà phá vỡ quy hoạch, sản phẩm tăng đột biến sẽ gặp nhiều rủi ro.
End of content
Không có tin nào tiếp theo