Quốc tế

Kinh tế Nga phất lên nhờ lệnh trừng phạt của phương Tây

Tạp chí Boulevard Voltaire của Pháp nhận định, tất cả những nỗ lực của phương Tây trong việc áp đặt áp lực kinh tế và chính trị lên Nga đã không thành công. Trái lại, các lệnh trừng phạt còn cho Tổng thống Vladimir Putin cơ hội củng cố quốc gia Nga, mở ra các dự án kinh tế mới và khiến ông trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng hơn.

 

Nga đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm ngoái - thời điểm đồng rúp mất giá, bị cô lập về chính trị và kinh tế sau khi bị phương Tây cáo buộc Matx-cơ-va can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

 

Tuy nhiên, tạp chí Boulevard Voltaire cho rằng, vào cuối những ngày đen tối này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành người chiến thắng trước tất cả những nghịch cảnh và thậm chí còn cảm ơn phương Tây đã cho ông cơ hội củng cố quốc gia Nga, mở ra các dự án kinh tế mới và đoàn kết người dân nước Nga theo một ý tưởng mới của quốc gia. 

 

Sau cuộc đảo chính bất hợp pháp được phương Tây hậu thuẫn khiến Tổng thống Ukraine khi đó, ông Viktor Yanukovych, bị lật đổ vào tháng 2/2014 và gây ra cuộc nội chiến tại Ukraine, Nga tái hợp nhất với bán đảo C-rưm. Người dân bán đảo này không chấp chận cuộc đảo chính bất hợp pháp tại Kiev, bỏ phiếu lựa chọn quyết định tách khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. Cuối cùng, Nga đã sáp nhập bán đảo C-rưm vào lãnh thổ của họ vào tháng 3 năm ngoái.

 

Mặc dù các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã làm tổn hại kinh tế nước này, nhưng cũng chính những lệnh trừng phạt này đã buộc Nga phải cân nhắc lại các chính sách kinh tế của mình, tìm kiếm các đối tác làm ăn mới và nỗ lực hướng tới sự độc lập về kinh tế bằng cách phát triển các ngành công nghiệp nội địa. Con đường này có thể còn dài và khó khăn, nhưng kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ tươi sáng.

 

Trong khi đó, theo tạp chí Forbes, lệnh trừng phạt của phương Tây đã giúp nước Nga trở thành thị trường mới nổi tốt nhất trong năm nay. Thực tế, đồng rúp đã tăng trị giá 17% kể từ đầu năm nay. Theo đó, đồng đôla Mỹ so với đồng rúp đã giảm xuống dưới 50 rúp/USD. Trong khi hồi tháng Một, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ trao đổi sẽ tăng lên mức 70 rúp/USD trong vòng ba tháng.

 

Đồng rúp đã tăng trị giá 17% kể từ đầu năm nay. (Ảnh Sputnik)

 

Còn theo đánh giá của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan (Mỹ), tình hình tài chính của chính phủ Nga đang "khá ổn" do khoản nợ chính phủ hiện ở mức thấp. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho ha,y Nga hiện có khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tới cuối năm nay, mức lãi suất ở các ngân hàng Nga có thể dưới 9,5%. Trong khi đó, thặng dư ngân sách của Nga hiện đang được kỳ vọng tăng lên mức 70 tỷ USD (chiếm 5,5% GDP) vào cuối năm nay. Hồi năm ngoái, con số này là 59 tỷ USD (chiếm 3,2% GDP). 

 

Việc đồng rúp rớt giá, lãi suất tăng và kinh tế suy thoái chính là 3 yếu tố gây áp lực lớn với các ngân hàng của Nga. Tuy nhiên, các tập đoàn phi tài chính như Magnit đã chọn lối đi cho riêng mình để đối phó với tình trạng kinh tế sụt giảm như sử dụng các nguồn vốn nội bộ để trả nợ do khó khăn trong tiếp cận các thị trường quốc tế. 

 

Hôm 15/5, Cơ quan thống kê Liên bang Nga cho biết GDP quý I của nước này giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 0,4% trong 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia Nga nhận định, kinh tế Nga hiện đang trong tình trạng tốt hơn nhiều so với các dự đoán. Báo cáo của Cơ quan thống kê Liên bang Nga cho thấy nền công nghiệp và mức độ tiêu dùng không hề sụt giảm. Dù rằng sản lượng công nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với kỳ vọng là nhờ đồng rúp rớt giá. 

 

Việc giá dầu tăng lên mức trên 60 USD/thùng từ khoảng 40 USD/thùng cũng đang giúp cải thiện nền kinh tế Nga. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh mua cổ phiếu và trái phiếu của Nga vì giá rẻ. 

 

Boulevard Voltaire lập luận rằng, chính sách cô lập của phương Tây đã mang đến cho Matx-cơ-va cơ hội phát triển các mối quan hệ mới với các quốc gia láng giềng phía Đông. Nga đã theo đuổi một thỏa thuận lớn về hợp tác kinh tế, tài chính và quân sự với Trung Quốc và Ấn Độ trong năm ngoái. Mặt khác, phương Tây đã bỏ lỡ các cơ hội kinh tế lớn bằng cách biến Nga từ một đối tác tiềm năng thành một kẻ thù. 

 

Tạp chí Boulevard Voltaire cho rằng, với việc từ chối lời mời tới tham dự Lễ kỷ niệm mừng Ngày Chiến thắng tại Matx-cơ-va vào ngày 09/5 vừa qua, các nhà lãnh đạo phương Tây đã không chỉ xúc phạm bản thân ông Putin, mà còn là toàn bộ người dân Nga. Cuộc diễu hành của Trung đoàn Bất tử cho thấy rằng người Nga đứng đằng sau Tổng thống. Những nỗ lực của phương Tây trong việc coi nhẹ vai trò của quân đội Xô Viết trong Thế chiến II chắc chắn không nhận được sự ủng hộ của người dân Nga. Nhờ những nỗ lực gây sức ép với Nga của phương Tây, ông Putin đã trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng hơn.

 

 
NM (Theo Sputnik/Forbes)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo