Thị trường

Kinh tế Piềng Mòn khởi sắc từ nghèo khó

(DNVN) - Piềng Mòn (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát) là một bản vùng biên giới xa xôi của tỉnh Thanh Hóa. Từ vùng đất hẻo lánh, nghèo khó, nhưng với công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Piềng Mòn hôm nay đã có nhiều đổi thay và khởi sắc.

Bản Piềng Mòn khởi sắc.

Lội qua con suối Sim khá rộng, với nhiều tảng đá lớn giữa dòng nước trong xanh uốn khúc, chúng tôi đã tới bản Piềng Mòn. Thấp thoáng dưới dãy núi Pù Ló là những mái nhà mới của bản người Thái với hàng trăm hộ dân, đối diện bên kia núi là các bản Na On, Xôm Vẳn thuộc huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào…

          Gặp chúng tôi, ông Lương Văn Đào bí thư chi bộ bản Piềng Mòn chia sẻ chặng đường trở thành bản nông thôn mới (NTM) đầu tiên của huyện Mường Lát … Piềng Mòn khi mới được thành lập năm 2007, cả bản có 61 hộ dân với 275 khẩu, đều là người Thái. Khi đó cả bản đều làm nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn một nửa. Đường giao thông chỉ là đường đất, ngày mưa xuống lầy lội, nắng lên thì bụi mù mịt. “Đời sống của bà con quanh năm bị cái đói nghèo bủa vây, người dân chẳng biết làm gì ngoài trồng cây ngô cây sắn mà chẳng đủ ăn. Đói nghèo thì sinh ra nhiều hủ tục, lạc hậu, con cái chẳng được học hành tử tế…”.

Đến tháng 3/2016, UBND huyện Mường Lát bắt đầu phê duyệt “Dự án xây dựng bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn đạt chuẩn bản NTM”. Lúc đó, người dân chưa ai hiểu NTM là gì, Đảng bộ, chính quyền huyện, xã đã kết hợp với chi bộ thôn tuyên truyền vận động đến từng người dân, giảng giải cho họ hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình là phục vụ chính họ,  và chính họ phải là những người phải “xắn tay áo” để thực hiện, thành bại của chương trình này là phụ thuộc vào họ… Nói thì dễ nhưng cũng phải mất quá trình khá dài, “mưa dầm thấu lâu” người dân mới dần dần hiểu được và hợp tác với chính quyền.

Trước hết, Piềng Mòn đi vào phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Bản được huyện, xã tạo điều kiện cho xây dựng mô hình sản xuất lúa năng xuất chất lượng cao, tập huấn cho các hộ gia đình biết sử dụng kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây lúa nước, đưa năng xuất lúa nước của bản bình quân từ 40 tạ/ha lên 55 tạ/ha. Đồng thời, tổ chức xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản, hỗ trợ giống bò, hỗ trợ chuồng trại, trồng cỏ... tập huấn cho các gia đình về kỹ thuật chăn nuôi phòng trừ dịch bệnh. Nhờ áp dụng KHKT, cùng với sự hướng dẫn, động viên của các cấp chính quyền đã làm thay đổi nhận thức của người dân, từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Các mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt khiến người dân càng thêm tin tưởng vào chương trình NTM và hăng say lao động sản xuất. Trong bản, không còn lao động thất nghiệp, thu nhập bình quân đầu người 2017 đạt trên 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm còn gần 6%. Các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể thao được phát động mạnh mẽ, nhất là các dịp lễ hội, ngày Tết, cưới hỏi... Ngoài ra, chính quyền địa phương còn động viên, hướng dẫn chỉ đạo bà con trong bản tích cực trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, chuyển đổi mùa vụ, nuôi cá ao…

Kinh tế phát triển, người dân Piềng Mòn hăng hái tham gia hơn 2.000 ngày công, hiến gần 3.500 m2 đất, làm đường giao thông và xây dựng các cộng trình cộng cộng khác. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của bản Piềng Mòn đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Đến ngày 30/11/2017, bản Piềng Mòn chính thức được công nhận “thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới” trên địa bàn xã tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá.

 

“Ngày được đón nhân NTM, cả bản vui lắm, bà con ai cũng trang hoàng nhà cửa thật sạch sẽ đẹp đẽ, mặc những bộ quấn áo mới nhất, đem những thứ ngon nhất để đãi khách. Không chỉ có lãnh đạo trên tỉnh, huyện về dự và bà con các bản bên Lào sang chung vui…”. Ông Đào kể lại.

Chúng tôi  ghé vào căn nhà sàn khang trang của gia đình anh Hà Văn Hệ, một trong những hộ dân được hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình NTM. Hiện gia đình anh đã trở thành gia đình khá giả của bản Piềng Mòn, con cái anh được đi học. Anh chia sẻ: “Nhờ có NTM chúng tôi không còn phải đi trên những con đường lầy lội nữa, cơ sở trường lớp khang trang, sạch đẹp, đời sống của bà con cũng khởi sắc hơn rất nhiều”.

Có thể nói, với sự nỗ lực của cả chính quyền và người dân bản Piềng Mòn, kinh tế nơi đây đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn đang ngày càng thay da đổi thịt. Chia tay Piềng Mòn, chúng tôi không thể quên hình ảnh những đứa trẻ nơi “thâm sơn cùng cốc” ngày nào, đang khoe những tấm áo mới, tung tăng cặp sách mới tới trường lớp với chúng bạn, cùng nhau xây dựng tương lai tươi sáng trên quê hương.

Đào Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo