Kinh tế sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2016
Con số chính thức phải đến cuối tháng 6/2015 mới được Tổng cục Thống kê công bố, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 6,11%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 5,18% của cùng kỳ năm trước.
Đây là con số được đưa ra trong Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi tới các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Con số này tiếp tục được cơ quan tham mưu tổng hợp về điều hành kinh tế vĩ mô cho Chính phủ đánh giá là tín hiệu cho thấy “nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2014”.
Theo văn bản này, trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; còn khu vực dịch vụ tăng 6,16%.
Với mức tăng trưởng 6,11% trong 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt mục tiêu đề ra. Thậm chí, nếu các ngành, các cấp, các doanh nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra, thì tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ vượt mục tiêu.
Trên thực tế, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2% đã được khẳng định ngay từ khi tăng trưởng GDP quý I/2015 được công bố đạt 6,03%, cao hơn dự báo, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của các quý I nhiều năm trước đó. Vào thời điểm ấy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã hồ hởi kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra.
Không chỉ Chính phủ Việt Nam, mà các tổ chức quốc tế cũng có nhiều dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm nay. Chẳng hạn, Ngân hàng ANZ trong Báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực sông Mê Kông, công bố giữa tháng 6/2015, đã nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng được cải thiện mạnh mẽ và sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 - 2016. Theo đó, ngân hàng này đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 là 6,5%.
Trong khi đó, liên quan đến chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng khác là lạm phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2015 tăng 0,5 - 0,6% so với tháng 12/2014 và cả năm, con số này chỉ là 3 - 3,5%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu điều hành lạm phát khoảng 5% trong năm nay.
Như vậy, cả hai chỉ số vĩ mô quan trọng nhất của nền kinh tế nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cả 14 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2015 đều có khả năng đạt và vượt kế hoạch, một kết quả tốt đẹp cho năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Điều này một lần nữa khẳng định xu hướng hồi phục và hồi phục bền vững hơn của nền kinh tế.
Đó cũng chính là lý do vì sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 5 vừa qua, khi xây dựng Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6,5%.
“Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi ổn định với tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2015. Hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm và tương đối ổn định… Đó là những điều kiện quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Các mục tiêu khác được nhắc đến là lạm phát ở mức 5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10,3%; nhập siêu ở mức 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 31% GDP…
Một điều đáng chú ý, trong mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ dự thảo: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững…”. Năm 2015, mục tiêu tổng quát được đề cập là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh...”.
Như vậy, hai năm gần đây, một trong những mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô hàng đầu trong những năm trước đây là “ưu tiên kiềm chế lạm phát”, hay “kiểm soát lạm phát” đã không còn xuất hiện. “Bóng ma” lạm phát đã hết ám ảnh nền kinh tế Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo