Kinh tế số

“Nếu không tạo bệ phóng cho“Make in Vietnam”, Việt Nam sẽ không thể đi ra nước ngoài”

DNVN - Quan điểm được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu tại buổi họp báo công bố giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam 2020” chiều 19/8, do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức.

MobiFone ra mắt Hệ thống báo cháy tự động kết nối không dây / 6 tháng đầu năm, doanh thu nhiều thị trường nước ngoài của Viettel tăng trưởng hai con số

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại họp báo phát động giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2020"

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại họp báo phát động giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2020".

Tạo bệ phóng cho sản phẩm “Make in Vietnam”

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Hùng cho biết, nếu không có Make in Vietnam, nước ta khó có thể trở thành một nước phát triển. Và nếu không Make in Vietnam, Việt Nam sẽ không thể đi ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Theo ông Hùng, điểm thuận lợi của Make in Vietnam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê module hay các sản phẩm trọn vẹn. Điều cần nhất của Make in Vietnam là có vấn đề để giải quyết. Vấn đề có thể do Chính phủ, doanh nghiệp hoặc xã hội đặt ra. Bởi vậy, đưa ra vấn đề của mình, bài toán của mình chính là cách tốt nhất để thúc đẩy Make in Vietnam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, nếu nhìn vào thực trạng công nghệ cao của Việt Nam chưa xuất hiện nhiều mà đánh giá không cạnh tranh được với nước ngoài thì sẽ mãi mãi không phát triển được. Ngược lại, cần xem việc chưa có nhiều sản phẩm công nghệ nội địa là cơ hội để phát triển sản phẩm của mình.

Theo ông, thị trường 100 triệu dân là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt, bởi không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn chính người Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số cần tự chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế. Thay vào đó, điều mà doanh nghiệp cần làm là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này.

“Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2020” là giải thưởng cao nhất trong ngành. Đây là lần tiên một giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số để giải bài toán Việt Nam. Phần thưởng lớn nhất của giải thưởng là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối thị trường, xây dựng khung pháp lý, kết nối các nhà đầu tư để các sản phẩm công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2020" được phát động vào chiều này 19/8/2020.

Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2020" được phát động vào chiều này 19/8/2020.

“Make in là cốt lõi công nghệ của một quốc gia”

Cũng tại buổi họp báo chiều 19/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm thêm một lần nữa giải thích cụ thể hơn cụm từ Make in Vietnam.

Theo Thứ trưởng, lâu nay chúng ta khá quen thuộc với Made in Vietnam, và cụm từ này gắn liền với nội hàm quy tắc xuất xứ, với quy định để xác định tỷ lệ nội địa hóa, áp dụng trong vấn đề xuất nhập khẩu, các cơ chế thuế quan áp dụng như thế nào…

Made in Vietnam giai đoạn trước cơ bản không quan tâm đến công nghệ nhập khẩu, lắp ráp, hay sản xuất thế nào, tóm lại chỉ quan tâm đến các giá trị được sản sinh được tạo ở Việt Nam càng lớn càng tốt.

Còn Make in Vietnam thì hoàn toàn khác. Thuật ngữ này truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu, sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Vietnam với mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ, chuyển từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế chủ động, và tốt hơn là sản xuất ở Việt Nam.

Do đó, khi thực hiện chiến lược Make in Vietnam các doanh nghiệp Việt phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy sẽ phát huy trí tuệ Việt Nam, giải quyết bài toán của Việt Nam và giá trị gia tăng của Việt Nam cũng cao hơn.

“Thông qua chiến lược Make in Vietnam sẽ cải thiện chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, có thể xây dựng được nền kinh tế tự chủ hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những nấc thang khác cao hơn, chứ không phải ở nấc thang thấp như gia công, lắp ráp”, Thứ trưởng Tâm nói.

Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông: “Ý tưởng Make in Vietnam rất hay, khác với Made in Vietnam. Made in Vietnam là sản xuất tại Việt Nam nhưng thiết kế ở nước ngoài như giày Adidas, Nice… tất cả đều là Made in Vietnam. Chúng ta xuất khẩu đều là hàng hóa của Việt Nam nhưng không phải là Make in Vietnam vì thiết kế là của nước ngoài chỉ gia công, sản xuất ở nước ta. Cho nên với chiến lược Make in Vietnam khác ở chỗ là phải thiết kế ở Việt Nam, thậm chí sau này không nhất thiết phải sản xuất ở Việt Nam mà chuyển hướng sang chỉ thiết kế ở Việt Nam còn gia công, sản xuất ở nước ngoài. Khâu thiết kế là rất quan trọng, "Make in" là quan trọng nhất, nó khuyến khích sáng tạo và đấy là cốt lõi của công nghệ của một quốc gia".

Đức Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm