Kinh tế số

Đà Nẵng sẽ có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp ICT vào Công viên Phần mềm số 2

DNVN - Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết những bước chuẩn bị để đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của TP, đặc biệt là đón nhận sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Lễ hội “Rộn ràng đón trăng” tràn ngập tiếng cười của trẻ nhỏ, người lớn / Đà Nẵng hướng dẫn tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh và người Việt Nam hồi hương

Ngày 30/9, UBND TP Đà Nẵng cùng Bộ TT&TT và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến “Xúc tiến đầu tư ICT (Công nghệ thông tin – Truyền thông) Nhật Bản vào Đà Nẵng"; thu hút sự tham gia của gần 300 nhà đầu tư, doanh nghiệp ICT tiềm năng tại Nhật Bản qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng.

Nhân dịp này, Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng về những bước chuẩn bị nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp ICT của TP, đặc biệt là đón nhận sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng, đưa TP này trở thành một Silicon Valley như ông Onose Takahisa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản – Chi hội Đà Nẵng và Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn nêu tại hội nghị.

Ông có thể cho biết những kết quả mà ngành công nghiệp ICT của Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian gần đây?

Ông Lê Sơn Phong: Việc xây dựng đô thị thông minh của Đà Nẵng cũng đồng thời tạo nền tảng xây dựng công nghiệp ICT của TP, phục vụ cho chiến lược phát triển công nghiệp ICT gắn liền với kính tế số. Trong giai đoạn 2010 đến 2019, công nghiệp ICT của Đà Nẵng đã có những bước tăng trưởng đáng kể với doanh thu tăng bình quân 20% năm.

Xuất khẩu phần mềm tăng trưởng bình quân 25% năm, trong đó Nhật Bản và Mỹ 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm 36%). Đến cuối năm 2019, ngành công nghiệp ICT đã chiếm tỷ trọng 7,7% GRDP của TP Đà Nẵng, vượt mục tiêu 6% mà Nghị quyết 07-NQ/TU nêu. Tính chung, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp ICT trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tang trưởng GRDP của TP (7.3%/năm).

Để ngành công nghiêp ICT đóng góp vào GRDP của TP đạt tỉ trọng 15%, Đà Nẵng đã và đang đầu tư, thu hút đầu tư vào 6 khu công nghệ cao, khu CNTT và công viên phần mềm (CVPM). Trong đó, ngoài Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang thu hút đầu tư thì Khu CVPM số 1 diện tích 2,4ha (đường Quang Trung, quận Hải Châu) đã có tỉ lệ lấp đầy 100%, với 75 doanh nghiệp (trong đó có 23 doanh nghiệp FDI) đang hoạt động tại đây, thu hút 2.200 lao động.

 

Khu FPT Complex có diện tích 5,9ha ở quận Ngũ Hành Sơn thu hút 3.400 lao động; Khu CNTT tập trung Đà Nẵng diện tích 131ha tại huyện Hòa Vang được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2019 và đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Ngoài ra, hiện Đà Nẵng đang chuẩn bị đầu tư Khu CVPM số 2 chỗ gần cầu Thuận Phước (quận Hải Châu) và kêu gọi đầu tư Khu CVPM Đà Nẵng mở rộng tại Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).

Ông có thể cho biết rõ thêm về khu công viên phần mềm số 2 mà Đà Nẵng chuẩn bị đầu tư?

Qua nhiều năm phục vụ các doanh nghiệp ngành ICT, điều chúng tôi thấy vướng nhất chính là không gian phát triển cho doanh nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu về không gian phát triển cho các doanh nghiệp ICT giai đoạn 2020 - 2025, theo kế hoạch đã được lãnh đạo TP chấp thuận, vào ngày 10/10 tới sẽ khởi công xây dựng Khu CVPM số 2 trên khu đất 5,3ha nằm cạnh cầu Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).

Khu CVPM số 2 này do ngân sách TP Đà Nẵng đầu tư nhằm xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, đào tạo, vườn ươm CNTT; xây dựng hạ tầng CNTT (trung tâm dữ liệu) phục vụ chuyển đổi số cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp; xây dựng không gian phát triển CNTT để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, tạo môi trường để thu hút đầu tư phát triển kinh tế số của TP Đà Nẵng. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai trên diện tích 2,85ha với tổng vốn đầu tư gần 800 tỉ đồng.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng" tổ chức ngày 30/9

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng" tổ chức ngày 30/9/2020.

 

Song song với quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, Sở TT&TT Đà Nẵng đang tham mưu UBND TP ban hành chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp ICT vào hoạt động tại Khu CVPM số 2. Việc ưu đãi sẽ nhằm vào 3 nội dung: Ưu đãi về hạ tầng, gồm cả mặt bằng và hạ tầng CNTT; hỗ trợ đào tạo, xúc tiến đầu tư theo chương trình của TP Đà Nẵng; các doanh nghiệp địa phương trong khu này sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển CNTT theo Nghị quyết 270/2019/NQ-HĐND (ngày 12/12/2019) của HĐND TP Đà Nẵng. Chúng tôi rất kỳ vọng Khu CVPM số 2 này, và hiện đã có nhiều doanh nghiệp hỏi về giá cả, chính sách… để tham gia vào đây.

Đà Nẵng có kế hoạch phát triển Khu công viên phần mềm mở rộng ở Hòa Xuân ra sao, xin ông cho biết thêm?

Khu CVPM mở rộng ở Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) không phải do nhà nước đầu tư mà sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tầm cỡ, nhằm xây dựng một Trung tâm kỹ thuật số (Digital Hub) của khu vực. Khu này đã được phê duyệt đề án mở rộng, phê duyệt quy hoạch chi tiết; diện tích giai đoạn 1 là 3,2ha; sau khi điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt thì khu này sẽ rộng hơn. Hiện khu này cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm đề xuất nghiên cứu dự án đầu tư.

Tại hội nghị trực tuyến “Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng”có ý kiến băn khoăn về nguồn nhân lực tiếng Nhật của Đà Nẵng vẫn còn thiếu và yếu mảng nguồn lực chất lượng cao về CNTT. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đà Nẵng hiện có 1.900 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính trong lĩnh vực CNTT (tính cả ngành nghề phụ là 7.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn TP). Nhân lực trong lĩnh vực CNTT hiện khoảng 36.000 người, trong đó 20.000 người làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 17,8 triệu đồng/người/tháng.

 

Hiện Đà Nẵng đang có gần 40 cơ sở đào tạo về lĩnh vực ICT. Trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề với số lượng nhân lực chuyên ngành ICT cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 kỹ sư, cử nhân. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ phát triển ngành.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của TP, trong đó có lĩnh vực ICT. Theo đó, chú trọng gia tăng đào tạo nguồn nhân lực ICT về cả số lượng, chất lượng và kỹ năng; thu hút các sinh viên, kỹ sư các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng làm việc; các chuyên gia ICT trong và ngoài nước.

Về phát triển nguồn nhân lực tiếng Nhật trong lĩnh vực CNTT, Đà Nẵng khuyến khích các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp liên kết, hợp tác xây dựng và đẩy mạnh chương trình đào tạo tiếng Nhật nhằm phát triển nguồn nhân lực tiếng Nhật chất lượng cao. Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn đã xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao CNTT theo chuẩn Nhật Bản, đặt mục tiêu sinh viên tốt nghiệp thành thạo ngôn ngữ Nhật như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học FPT, Đại học Đông Á…

Đà Nẵng cũng chú trọng đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại các cấp học phổ thông nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đón đầu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản trong thời gian đến. TP hiện có 3 trường tiểu học, 2 trường THCS và 3 trường THPT đã đưa tiếng Nhật vào chương trình giảng dạy ngoại ngữ chính thức. Nhật Bản là đối tác quan trọng của Đà Nẵng trong nhiều lĩnh vực, do đó TP luôn ưu tiên dành nguồn lực thúc đẩy hợp tác với các đối tác Nhật Bản trên nhiều phương diện, không chỉ về kinh tế, đầu tư mà còn văn hoá, ngôn ngữ.

Xin cám ơn ông!

 

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm