Kinh tế số

Kiểm soát, xử lý từ gốc rễ những 'mặt trái' của thương mại điện tử

DNVN - Bên cạnh đà tăng trưởng và những tác động tích cực không thể phủ nhận, thương mại điện tử đã và đang bộc lộ những bất cập, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng, nền tảng mua trực tuyến và các doanh nghiệp sản xuất cũng dần bị mất uy tín.

Thương mại hóa 5G: Các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng 'tham chiến' / Năm 2024, Microsoft sẽ phát triển nhiều tính năng nâng cao cho các ứng dụng AI

Nở rộ xu hướng kinh doanh hiện đại

Lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu chậm lại.

Sự gia tăng của hình thức mua bán trực tuyến và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các thiết bị di động đã có tác động đáng kể đến ngành TMĐT và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo giới chuyên gia, TMĐT và kinh doanh hiện đại sẽ phát triển theo 7 xu hướng sau:

Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (ML) sẽ đóng vai trò lớn hơn.

AI và ML đã có những tác động trong thương mại điện tử nhiều năm qua. Những tính năng thông minh như tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh, đề xuất sản phẩm tương tự... đã giúp trải nghiệm của khách hàng được nâng lên một tầm cao mới. Vai trò của chúng dự kiến sẽ càng ảnh hưởng sâu sắc hơn vào năm 2024 và những năm tiếp theo.

Các doanh nghiệp có thể sử dụng AI và ML để đưa ra các đề xuất cá nhân hóa cho từng khách hàng, cải thiện độ chính xác của kết quả tìm kiếm, tự động hóa một số thao tác khi khách hàng mua sắm trên website của mình... Điều này không chỉ giúp việc mua sắm của khách hàng hiệu quả và thú vị hơn mà còn có thể giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp.


Sự phát triển của thương mại điện tử còn nhiều bất cập.

Thứ 2, các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành các kênh marketing quan trọng đối với các doanh nghiệp TMĐT trong nhiều năm qua. Mạng xã hội không chỉ là nền tảng để chia sẻ ảnh và giữ liên lạc với bạn bè mà giờ đây, có thể mua sản phẩm trực tiếp từ Instagram, Facebook, TikTok... Các doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các nền tảng này để mở rộng kênh bán hàng trên thị trường thương mại điện tử.

Thứ 3, việc AI ngày càng phát triển kéo theo sự ra đời của các trợ lý ảo thông minh như Google Assistant, Amazon Alexa, Bixby... Từ đó, thương mại bằng giọng nói cũng dần trở thành xu hướng TMĐT được nhiều doanh nghiệp ứng dụng và dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa trang web và danh sách sản phẩm để hỗ trợ người dùng tìm kiếm bằng giọng nói, thậm chí cho phép người dùng tạo đơn hàng bằng giọng nói. Điều này có thể giúp việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng và thú vị hơn cho khách hàng.

Thứ tư, sự phát triển ngày càng vượt trội của công nghệ khiến những vấn đề về môi trường cũng được nhiều người quan tâm. Người tiêu dùng trở nên ý thức hơn về các vấn đề của môi trường sống thì tính bền vững sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ khi mua sắm.

Các doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề này bằng cách triển khai các phương pháp bền vững trong chuỗi cung ứng của mình. Việc sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường và bao bì có thể tái chế sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng tốt hơn.

Thứ 5, một trong những xu hướng TMĐT đã và đang không ngừng phát triển chính là thực tế ảo tăng cường (AR). Đây là công nghệ tiên tiến giúp người mua sắm trực tuyến cảm nhận chân thực về những gì họ sẽ mua, giúp họ đưa ra quyết định mua hàng dễ dàng hơn.

Với AR, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh để xem đồ đạc trong nhà trông như thế nào nếu họ mua về và bố trí nó, thử màu tóc trước khi mua thuốc nhuộm...

Thứ 6, xu hướng mua trước trả sau (BNPL) cho phép khách hàng tạo đơn, nhận hàng trước và thanh toán thông qua các đợt trả góp không lãi suất định kỳ sau đó.

Các doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thanh toán này để tăng số lượng đơn hàng được tạo. BNPL đã trở thành xu hướng TMĐT 2023 khi được nhiều sàn thương mại điện tử ứng dụng, tiêu biểu là Shopee.

Thứ 7, một xu hướng đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong thời gian hiện tại chính là TMĐT xuyên biên giới. Nhu cầu mua sản phẩm từ các thị trường quốc tế của khách hàng ngày càng gia tăng. Do đó, TMĐT xuyên biên giới dự kiến sẽ phát triển theo cấp số nhân trong thời gian tới đây.

Giải pháp kiểm soát

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, TMĐT còn bộc lộ một số bất cập trong quá trình phát triển do phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.

Sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Điều này đang đặt ra những yêu cầu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý thương mại điện tử. Bởi nếu không có biện pháp, công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tốt môi trường trực tuyến, sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, bản thân nền tảng mua hàng trực tuyến và các doanh nghiệp sản xuất cũng dần bị mất uy tín.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán, sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng thuộc các bộ, ngành sẽ giúp công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không xác định được nguồn gốc, xuất xứ trên môi trường mạng được hiệu quả hơn.

Với các doanh nghiệp, theo ông Linh, cần phải nâng cao ý thức tự bảo vệ chính doanh nghiệp của mình. Trong đó, cần tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm để phản ánh, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh việc xây dựng, phát huy văn hoá kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp phải chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền, có các chương trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín, chất lượng, bảo đảm an toàn.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm