Lập nhóm Zalo theo huyện giúp nông dân bán na, bưởi trên sàn thương mại điện tử
DNVN - Nhận thấy bà con nông dân gặp khó khi bán na Chi Lăng và bưởi Phúc Trạch - hai loại quả đặc sản của Lạng Sơn và Hà Tĩnh trên môi trường số, các sàn thương mại điện tử đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ. Trong đó, Vỏ Sò lập các nhóm zalo theo từng huyện để chuyên trách hỗ trợ bà con nông dân nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Mỗi hộ nông dân cần có 1 hồ sơ để định danh trên các sàn thương mại điện tử / Quảng Bình: Thúc đẩy bán nông, lâm, thủy sản trên sàn thương mại điện tử
Na Chi Lăng, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) - hai loại nông sản chủ lực của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) và Hương Khê (Hà Tĩnh) vốn được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản lượng tiêu thụ qua kênh phân phối truyền thống cũng rất cao. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc thu mua và vận chuyển nông sản này đang chậm lại, số lượng đặt hàng từ các thương lái cũng chưa nhiều như những năm trước.
Nhằm hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Lạng Sơn và Hà Tĩnh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò, Sendo… tiếp tục phối hợp đưa các sản phẩm nông sản vào mùa của địa phương lên sàn TMĐT.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức kết nối, phối hợp cùng Sở Công Thương Lạng Sơn và Hà Tĩnh từng bước hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tại các địa phương này tiếp cận với TMĐT. Nhờ có sự kết nối đó, sàn TMĐT Vỏ Sò và Postmart đã triển khai ký kết với các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Chi Lăng (Lạng Sơn), Hương Khê (Hà Tĩnh) sớm đưa hai sản phẩm nông đặc sản của hai địa phương này lên sàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng cả nước.
Vỏ Sò và Sở Công thương Hà Tĩnh ký kết hợp tác tiêu thụ bưởi Phúc Trạch.
Với bưởi Phúc Trạch, sàn TMĐT Vỏ Sò đã tiến hành kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap cũng như nguồn gốc xuất xứ. Vỏ Sò tiếp cận 120 hộ trồng bưởi chính gốc Hà Tĩnh, đạt tiêu chuẩn VietGAP để đưa sản phẩm lên sàn, mở một đầu ra mới cho bà con nông dân trong mùa dịch.
Với Na Chi Lăng, sàn TMĐT Vỏ sò (chi nhánh Lạng Sơn) đã kịp thời tiến hành chương trình hướng dẫn các hộ gia đình đưa sản phẩm lên sàn.
Theo đó, Vỏ Sò hỗ trợ bà con tạo gian hàng trực tuyến trên sàn, hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử và cung cấp những thông tin về bán hàng trực tuyến hay các kỹ năng khi tự tổ chức bán hàng trên TMĐT. Đối với các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Chi Lăng sẽ được miễn phí mở gian hàng và phí duy trì khi tạo gian hàng trên Vỏ Sò.
Tuy nhiên, đại diện Vỏ Sò cho biết, thực tế triển khai cho thấy, việc các hợp tác xã hay hộ sản xuất kinh doanh trên kênh phân phối vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận công nghệ mới. Do đó, Vỏ Sò sẽ tổ chức thêm các hoạt động trực tiếp để phát triển hộ sản xuất một cách tốt nhất. Đơn vị cũng kết hợp với các ban ngành, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ đến từng vườn, từng địa phương để hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng ứng dụng. Vỏ Sò cũng tổ chức các buổi tập huấn online và offline đào tạo kiến thức Marketing và bán hàng.
Đặc biệt, Vỏ Sò lập các nhóm zalo theo từng huyện để chuyên trách hỗ trợ bà con nông dân từ việc xây dựng combo sản phẩm, thiết lập chiến lược giá đến việc truyền thông quảng cáo và hướng dẫn khâu hậu cần như đóng gói, lựa chọn khu vực giao hàng...
"Tất cả các hoạt động này của Vỏ Sò nhằm làm cho việc kinh doanh trên nền tảng số của các hợp tác xã, hộ nông dân tại Lạng Sơn, Hà Tĩnh đạt hiệu quả cao nhất, từ đó có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn", đại diện Vỏ Sò chia sẻ.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đến thời điểm này, ngoài sàn TMĐT Vỏ Sò, sàn TMĐT Sendo, Postmart cũng đã triển khai đưa Na Chi Lăng hay Bưởi Phúc Trạch lên sàn tiêu thụ. Khách hàng tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh có thể trực tiếp truy cập vào các ứng dụng của sàn Vỏ Sò, Sendo và Postmart để đặt hàng.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo