Kinh tế số

Online Friday 2022: Nếu phát hiện hàng giả, người tiêu dùng hãy bấm nút "báo xấu" cho Ban tổ chức

DNVN - Ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2022 cung cấp tính năng hỗ trợ người tiêu dùng xử lý vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng có thể kích chuột vào nút báo xấu trên mỗi sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ tự động phát triển cảng biển thông minh / Nền tảng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Tận dụng tối đa sức mạnh của nền tảng trực tuyến
Chiều tối ngày 1/12 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh (Sở Công Thương) tổ chức lễ kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2022. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đến tham dự và chỉ đạo tại buổi lễ.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, cùng với tháng khuyến mại tập trung quốc gia, Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday 2022 là khoảng thời gian để người tiêu dùng cả nước và du khách quốc tế có những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời trên môi trường trực tuyến trong ngày hội mua sắm lớn cuối năm. Đồng thời được hưởng các ưu đãi về giá và hàng hóa đảm bảo xuất xứ, chất lượng.
Sự kiện là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng, tối ưu hóa các công cụ hỗ trợ, tính năng trên sàn thương mại điện tử, mở rộng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, giúp tăng trưởng doanh thu trực tuyến và phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền, Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh - Thành viên Ban tổ chức... thực hiện nghi thức bấm nút chính thức kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm 2022.
Thông tin thêm về Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương cho biết), tính đến 18h ngày 1/12, 6 tiếng trước khi chương trình bắt đầu, đã có khoảng hơn 70.000 sản phẩm chính hãng, với hơn 500 chương trình khuyến mãi của 370 nhà bán hàng là các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử tham gia sự kiện 60h Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam.
Người tiêu dùng trên toàn quốc có thể truy cập vào địa chỉ website chính thức của chương trình www.OnlineFriday.vn từ 0h đêm ngày 2/12/2022 để tìm kiếm sản phẩm và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Một điểm mới nổi bật trong chương trình Online Friday năm 2022 là sự tham gia của các nhãn hàng, thương hiệu sản xuất nổi tiếng và uy tín, 17 thương hiệu nổi tiếng sẽ tổ chức các chương trình Livestream về sản phẩm chính hãng trong 60 giờ liên tục trên nền tảng số TikTok. Chương trình sẽ tiếp cận 60 triệu người tiêu dùng với trên 100 triệu lượt top view trên nền tảng số TikTok Việt Nam.
Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ tổ chức hoạt động săn iphone 14 Pro Max giá 1.000 đồng cùng hàng nghìn quà tặng trị giá vào khung giờ đặc biệt trong 60 giờ livestream, từ 0h ngày 2/12 đến 12h trưa ngày 4/12.
Bảo vệ hàng chính hãng
Năm nay, Ban tổ chức cung cấp tính năng hỗ trợ người tiêu dùng xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thì có thể kích chuột vào nút báo xấu trên mỗi sản phẩm. Ban tổ chức sẽ tiếp nhận và xử lý các sản phẩm và doanh nghiệp có liên quan đến các sản phẩm này.
Việc phát triển thương mại điện tử cũng đặt ra những yêu cầu mới trong việc bảo vệ thị trường, bảo vệ hàng chính hãng và đấu tranh chống gian lận thương mại.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tại buổi lễ Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã yêu cầu Ban tổ chức Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam cần đảm bảo những yếu tố sau:
Một là, sản phẩm phải rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, chính hãng, đảm bảo niềm tin của người dân, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch.
Hai là, cần nâng cao và đảm bảo trải nghiệm của người tiêu dùng, giúp người dân hiểu rõ tham gia.
Ba là, ứng dụng thuận tiện các giải pháp công nghệ số trên nền tảng Internet và mạng viễn thông thể thúc đẩy giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử hiệu quả và đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Bốn là, cần phát huy vai trò của hàng Việt Nam trong các hoạt động truyền thông, quảng bá trên môi trường trực tuyến.
Năm là, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm.
Cuối cùng là cần thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử như: thanh toán trực tuyến, chuyển phát thông minh, tiếp thị liên kết, các nền tảng mạng xã hội... nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, dịch vụ ứng dụng thương mại điện tử, tăng trưởng doanh số và phát triển bền vững.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm