Kinh tế số

Sếp Amazon: Để cạnh tranh quốc tế, doanh nghiệp phải biết cách kể câu chuyện thương hiệu mang bản sắc riêng

DNVN - Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, bên cạnh chất lượng sản phẩm, sự cạnh tranh còn nằm ở việc doanh nghiệp đã biết cách xây dựng thương hiệu, kể lại những câu chuyện thương hiệu với bản sắc riêng, đồng thời phải phù hợp với thị hiếu quốc tế và thuyết phục được người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm hay không.

Nhu cầu mua hàng trực tuyến cho trẻ sơ sinh tăng cao / CEO Cuccu: Thần tốc triển khai chiến dịch bán hộ "Nông sản tắc biên" không lợi nhuận

Thưa ông, tình hình sản phẩm nông sản Made in Vietnam tham gia Amazon trong năm 2021 ra sao? Sản phẩm nông sản nào chiếm doanh số cao nhất?

Ông Gijae Seong: Ngày càng có nhiều các nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon năm 2021.

Một vài loại sản phẩm nông ngư sản có thể kể đến là gạo, bánh tráng, hạt điều, cà phê hoặc các sản phẩm sấy khô và đặc biệt có một sản phẩm nông ngư nghiệp Việt Nam được quan tâm năm 2021 là rong nho.

Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới 2021 vừa qua, chúng tôi cũng vinh danh một đại diện doanh nghiệp thành công đến từ ngành nông ngư nghiệp là Rong Nho Trường Thọ.

Ngoài ra có thể kể đến sản phẩm gạo đến từ ECOBA, bánh tráng Tanisa, bánh tráng Hai Thiền, hạt điều Lafooco, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Mami.

Tất cả các sản phẩm liên quan đến thực phẩm đều phải đáp ứng các quy chuẩn như FDA hoặc US cũng như quy định của thị trường Hoa Kỳ về các sản phẩm thực phẩm hoặc liên quan đến thực phẩm.

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam.

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam.


Ông có thể cho biết, tổng số lượng doanh nghiệp Việt Nam đang bán trên Amazon theo chương trình Amazon Global Selling? Trong đó có bao nhiêu doanh nghiệp đạt doanh thu trên 500.000 USD?

Ông Gijae Seong:Chúng tôi chưa thể công bố các con số chính xác về số lượng doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia Amazon Global Selling và tổng doanh thu của các đối tác bán hàng khi xuất khẩu qua kênh Amazon. Tôi xin cung cấp các con số về tỉ lệ tăng trưởng để mọi người cùng hình dung về tốc độ và quy mô phát triển. Trong năm vừa qua có hàng ngàn đối tác doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia trên Amazon và đạt được những mốc tăng trưởng rất nhanh. Tổng giá trị xuất khẩu của SME Việt Nam qua Amazon trong năm qua tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái (thống kê 12 tháng từ 1/9/2020 đến 30/8/2021).

 

Báo cáo hoạt động 2021 của Amazon dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng công bố danh mục nhóm sản phẩm bán chạy hàng đầu trên Amazon bao gồm: Đồ gia dụng, Dụng cụ nhà bếp, Tiện ích gia đình, Sản phẩm dệt may và Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân.

Gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SME) được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới (trung bình 14 sản phẩm mỗi phút). Số lượng sản phẩm được bán trên cửa hàng của Amazon tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng SME vượt mốc doanh số 100.000 USD bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng SME vượt mốc doanh số 500.000 USD bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên thế giới tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng SME vượt mốc doanh thu 1 triệu USD bán hàng ra thị trường quốc tế trên Amazon tăng hơn 40%. Hàng nghìn đối tác bán hàng Việt Nam đã tận dụng Dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) và doanh số bán hàng qua FBA của họ đã tăng gần 50%.

Trung bình mỗi phút có 14 sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam được bán trên sàn Amazon.

Amazon Global Selling có hỗ trợ các nhà xuất bản/tác giả ở Việt Nam bán sách và sách điện tử trên Amazon không?

 

Ông Gijae Seong: Amazon hoàn toàn mở cửa và hoan nghênh các đối tác là nhà xuất bản, nhà kinh doanh các sản phẩm truyền thông (media). Bất cứ các nhãn hàng nào cung cấp sản phẩm có trong danh mục của Amazon, tuân thủ các quy định liên quan về sản phẩm như nội dung, chất lượng và tính quy chuẩn theo từng thị trường xuất khẩu đều được chào đón. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều các đối tác bán hàng hoặc nhà xuất bản Việt Nam đưa các sản phẩm như sách hay ebook tham gia thương mại điện tử xuyên giới cùng Amazon.

Mặc dù Amazon Global Selling chia sẻ về chiến lược 2022 tập trung vào 3 nhóm ngành hàng: Nhóm hàng cứng, nhóm hàng mềm và nhóm hàng tiêu dùng, tuy nhiên không có nghĩa là chúng tôi giới hạn chỉ trong 3 nhóm hàng này mà hoàn toàn mở rộng đối với các ngành hàng khác. Các đối tác kinh doanh tìm hiểu các nguyên tắc/quy định của thị trường bản địa, nguyên tắc của Amazon để đảm bảo được chất lượng sản phẩm, các tiêu chí xuất khẩu của ngành hàng mình kinh doanh ở thị trường hướng tới.

Ông có thể so sánh tỉ lệ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới của Amazon tại Việt Nam so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines?

Ông Gijae Seong: Trong 2-3 năm vừa qua, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất so với 4 nước nói trên bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. So với thời điểm năm 2019 đến nay, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon đã tăng trưởng vượt bậc.

Theo quan điểm của ông, làm sao để các sản phẩm Made in Vietnam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế và làm nổi bật được lợi thế của chúng ta so với các nước khác?

 

Ông Gijae Seong: Chúng tôi cho rằng tính cạnh tranh, lợi thế sản phẩm còn tùy thuộc vào ngành hàng sản phẩm. Có thể ở giai đoạn này, Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm công nghệ, điện tử tiêu dùng, sản phẩm công nghệ cao tham gia xuất khẩu cùng Amazon. Tuy nhiên, một số ngành hàng khác như sản phẩm về gia đình, bếp, các dụng cụ hay liên quan tới trang trí nội thất, mây tre đan thì Made in Vietnam được khách hàng quốc tế đánh giá cao về chất lượng, thiết kế tinh tế cao cấp, tính độc đáo và nổi bật, hoàn toàn không thua kém bất cứ nơi nào.

Nói về tính cạnh tranh, chúng tôi cho rằng “chất lượng sản phẩm” là điều kiện cần thiết, tiên quyết, bắt buộc khi gia nhập vào Amazon ở tất cả các thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng về mặt chất lượng, họ ý thức và luôn sẵn sàng rồi nên việc cạnh tranh không còn nằm ở việc sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng. Sự cạnh tranh nó nằm ở việc liệu các doanh nghiệp Việt Nam đã biết cách xây dựng thương hiệu, kể lại những câu chuyện thương hiệu với bản sắc riêng, nhưng cũng đồng thời phải phù hợp với thị hiếu quốc tế và thuyết phục được người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm hay không?

Trọng tâm chiến lược năm 2022 mà chúng tôi đã chia sẻ có thể thấy 4 điểm chính và trong đó có một mục tiêu là AGS mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu toàn cầu trên Amazon. Bằng cách cung cấp đào tạo, giới thiệu các công cụ và dịch vụ xây dựng thương hiệu, Amazon sẽ hỗ trợ tiếp thị các thương hiệu Made in Vietnam theo thị hiếu của khách hàng quốc tế. Đồng thời, Amazon cũng sẽ cung cấp các dịch vụ logistics để đẩy tranh quá trình đưa sản phẩm tới tay khách hàng hay những câu chuyện về đào tạo nâng cao kiến thức về CBEC. Bởi vậy, câu chuyện về tính cạnh tranh ở đây là liệu rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã biết cách xây dựng thương hiệu trên Amazon hay chưa?

Có thể thấy các thương hiệu thành công cùng Amazon trong 2021 là các nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp làm tốt khâu tiếp thị, xây dựng hình ảnh sản phẩm và câu chuyện thương hiệu của mình như gốm sứ Minh Long, nón bảo hiểm Royal Helmet, rong nho Trường Thọ, bào tử lợi khuẩn LiveSpo...

Amazon đã có nhiều chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bán hàng xuyên biên giới.

Đến bao giờ Amazon sẽ mở cửa cho người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tiếp trên kênh Amazon toàn cầu?

 

Ông Gijae Seong: Đây là câu hỏi mà chúng tôi đã nhận được rất nhiều kể từ thời điểm bắt đầu thiết lập đội nhóm tại Việt Nam. Về lộ trình thì hiện nay tôi chưa thể chia sẻ về thời điểm chính thức Amazon sẽ mở sàn thương mại điện tử cho phép người dùng Việt Nam mua trực tiếp hay ship trực tiếp về Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại Amazon đã có những sự tập trung cao hơn hướng về thị trường châu Á. Điển hình là gần đây thì Amazon đã mở market place ở Singapore và cố gắng đa dạng trong các phương thức tiếp cận, phục vụ khách hàng ở thị trường các nước Châu Á.

Liên quan về Fulfillment by Amazon. Liệu có sự thiên vị dành cho các đối tác bán hàng sử dụng Fullfillment bởi Amazon so với các đối tác họ tự vận hành khâu hậu cần, vận chuyển hay không? Liệu rằng những đối tác sử dụng Fullfillment khi đăng tải các sản phẩm sẽ được ưu tiên về thứ hạng hiển thị hay là có các quyền lợi gì đặc biệt hơn không?

Ông Gijae Seong: FBA, viết tắt của Fullfillment by Amazon, là dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon; trong đó Amazon sẽ phụ trách toàn bộ quá trình về hậu cần như nhận hàng, đóng gói, nhập kho, vận chuyển, giao hàng, nhận thanh toán, chăm sóc quy trình đổi trả, giải đáp thắc mắc khách hàng.

Việc một sản phẩm sau khi đăng tải lên Amazon được hiển thị thứ hạng tìm kiếm ra sao phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chọn lựa phân loại sản phẩm đã chính xác và phù hợp chưa, từ khóa thông tin sản phẩm có phù hợp với khách hàng khi search, tính cạnh tranh và khác biệt của sản phẩm với các sản phẩm khác, uy tín của nhà bán, trải nghiệm của khách hàng đã mua sắm tại gian hàng của người bán thông qua mức sao xếp hạng hoặc review...

Thông thường, các đơn hàng sử dụng FBA sẽ được giao hàng nhanh chóng trong vòng vài ngày và thường được người mua hàng đánh giá hài lòng, phản hồi tích cực, do đó có thể giúp cho việc hiển thị của sản phẩm đó tốt hơn. Tuy nhiên, không có sự thiên vị dành cho các đối tác bán hàng sử dụng dịch vụ FBA của Amazon và các đối tác tự hoàn thiện đơn hàng. Thậm chí, chúng tôi còn cung cấp chương trình Seller Fulfillment Prime nơi người bán có thể hiển thị biểu tượng Prime cho các đơn hàng tự hoàn thiện bởi người bán và có khả năng giao trong vòng 2 ngày đến khách hàng Prime của Amazon mà không tốn thêm mức phí nào.

 

Trong 7,2 triệu đơn hàng bán trong gần năm nay từ các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon, có sự cố nào về chất lượng hàng hóa, hay gặp vấn đề về thanh toán không? Với những sự cố như vậy, Amazon sẽ hỗ trợ người bán hàng từ Việt Nam như thế nào?

Ông Gijae Seong: Khi bán hàng triệu sản phẩm như vậy thì tất nhiên sẽ có những vấn đề phát sinh liên quan. Các doanh nghiệp cũng tự ý thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm và chúng tôi vẫn theo dõi các review phản hồi trên các gian hàng và cùng các đối tác bán hàng Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến sản phẩm này. Cùng với đó, Amazon cũng có hỗ trợ như về vận chuyển, giao hàng để đảm bảo hàng hoá đạt chất lượng tốt nhất khi tới tay khách hàng.

Liên quan tới phần thanh toán thì khá đa dạng, liên quan tới việc thanh toán tới người tiêu dùng và thanh toán tới các đối tác bán hàng. Về phía người tiêu dùng thì Amazon luôn đặt khách hàng lên hàng đầu và luôn có những phản hồi nhanh chóng mỗi khi có những vấn đề xảy ra.

Còn về các đối tác bán hàng thì chúng tôi cũng luôn cố gắng hỗ trợ và trong năm 2021 thì có thể kể đến những cải tiến như là đã có đội ngũ support nhà bán hàng bằng tiếng Việt để hỗ trợ họ và seller central (trung tâm người bán) bằng tiếng Việt để thuận tiện, giảm thiểu các vấn đề nhầm lẫn trong thao tác và vận hành.

Với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020, Amazon có chiến lược cụ thể nào để cùng các doanh nghiệp Việt Nam nâng mức tăng trưởng này lên cao hơn nữa trong năm 2022?

 

Ông Gijae Seong: Hiện nay, hàng ngàn các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Amazon, tuy nhiên chúng tôi thấy rằng đây mới chỉ là những bước khởi đầu của các doanh nghiệp cũng như Amazon tại thị trường Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam ở thương mại điện tử xuyên biên giới còn rất lớn trong những năm tới. Chiến lược mà chúng tôi có thể chia sẻ trong năm 2022 là: Tăng nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam để nhìn thấy các cơ hội trong việc xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Hai là, thúc đấy việc đào tạo kiến thức với các tài liệu tiếng Việt được xuất bản trên website, YouTube, Facebook Zalo, và sắp tới Amazon Global Selling sẽ có cả các chuyên gia đào chuyên nghiệp để hướng dẫn, đào tạo, cập nhật các thông tin, quy trình, cách thức làm E-commerce cho doanh nghiệp Việt Nam, Ba là, đơn giản hoá các thủ tục và tinh gọn lại quá trình đăng ký, gia nhập vào Amazon, cải thiện quy trình đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng cũng như người bán thông qua Seller Central bằng tiếng Việt.

Một điểm nữa là để phát triển đồng bộ và toàn diện thì cần có thêm những hợp tác với các cơ quan bộ, ngành, Chính phủ cũng như các hiệp hội hỗ trợ từng ngành hàng. Chúng tôi cũng tái cấu trúc lại đội nhóm để có các team chuyên trách từng ngành hàng để hỗ trợ hiệu quả sát sao hơn cho từng đối tác bán hàng Việt Nam.

Doanh nghiệp cần những điều kiện như thế nào để có thể tham gia bán hàng trên Amazon? Amazon có gì lưu ý thêm cho doanh nghiệp?

Ông Gijae Seong: Lời khuyên của chúng tôi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia Amazon thì hãy bắt đầu từ việc quan sát, tìm hiểu, tập trung vào khách hàng đầu tiên. Điểm đặc biệt của thương mại điện tử là những phản hồi của người mua, người bán,… thông qua review để từ đó là cơ sở để ranking. Những thông tin này Amazon hoàn toàn sẵn sàng cung cấp các về customer insight để cập nhật, tinh chỉnh hay tiếp cận khách hàng thông qua các hoạt động chăm sóc khách hàng. Đây cũng là cái chú ý đầu tiên và kiên quyết mà các doanh nghiệp phải thực sự quan tâm khi bán hàng trên Amazon.

Các trang thương mại điện tử tại Việt Nam chủ yếu thu phí dựa trên doanh thu của cửa hàng (khoảng trên 2%). Còn Amazon thu phí cố định và 1 số phụ phí khác với nhà bán hàng. Sự khác biệt này theo ông có ưu và nhược điểm gì?

 

Ông Gijae Seong: Tham gia Amazon Global Selling, các đối tác bán hàng có thể chọn lựa một trong hai gói: Tài khoản bán hàng Chuyên nghiệp hoặc Cá nhân. Gói cá nhân sẽ dành cho các nhà bán hàng thỉnh thoảng mới lên bán, bán dưới 40 sản phẩm mỗi tháng, không cần sử dụng quá nhiều features (tính năng) của Amazon Global Selling. Còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì hiện tại đa số lựa chọn gói Chuyên nghiệp để có nhiều tiện ích hơn khi bán (số lượng đơn hàng lớn, quảng cáo sản phẩm, công cụ bán hàng và xem báo cáo kinh doanh...).

Với tài khoản bán hàng Cá nhân, nhà bán hàng trả $0.99 cho mỗi sản phẩm bán ra. Với tài khoản bán hàng Chuyên nghiệp sẽ có một mức phí đăng ký hàng tháng là $39.99.

Ngoài ra sẽ có mức phí giới thiệu được tính dựa trên các sản phẩm được bán ra. Bên cạnh đó, đối tác bán hàng khi muốn sử dụng các dịch vụ add-on thêm từ Amazon Global Selling như là FBA,… thì có thể chọn lựa và trả thêm phí và tận dụng các công cụ hoặc dịch vụ này.

Với cách thức này, nhà bán hàng có thể chủ động và linh hoạt chọn lựa gói tài khoản phù hợp với nhu cầu kinh doanh, đặc trưng ngành hàng của mình và quyết định gói dịch vụ cộng thêm phù hợp ở từng thời điểm để sử dụng phù hợp nhu cầu của mình.

Xin cảm ơn ông!

 

Nhật Xuân (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm