Số hóa chợ truyền thống: Tiểu thương có cơ hội thay đổi hình thức kinh doanh
Dự thảo sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử can thiệp quá sâu và gây khó khăn cho doanh nghiệp / Ngân hàng số: Cuộc chạy đua không có điểm dừng, nếu không muốn thất bại
“Miếng bánh” hấp dẫn trị giá 10 tỷ USD
Thế giới Di động, một trường hợp bán lẻ thành công tại Việt Nam và khu vực, từ 5 năm trước đã chọn nhảy vào bán lẻ hàng tiêu dùng. Nhóm rau củ, thịt tươi là mảng kinh doanh trái ngành đầu tiên của tập đoàn. Sau 5 năm, Bách hoá Xanh đang chiếm gần 20% doanh thu cho cả tập đoàn, góp phần cứu Thế Giới Di Động thoát khỏi khủng hoảng Covid-19.
Hiện Bách hoá Xanh, VinMart+, Co.op Food, SatraFoods cũng vây quanh các chợ truyền thống để giành thị phần màu mỡ này.
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy, quá trình chuyển đổi từ hình thức đi chợ trực tiếp sang trực tuyến sẽ khó diễn ra nhanh chóng, dù cho đây là xu hướng tất yếu.
Chợ truyền thống và cửa hàng tạp hoá đứng trước áp lực buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh. Những tiểu thương và chủ cửa hàng đang phải nâng cao chất lượng dịch vụ, số hoá mô hình kinh doanh, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành khiến nhu cầu mua sắm online tăng cao.
Chợ truyền thống và cửa hàng tạp hoá đứng trước áp lực buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh. (Ảnh minh họa: Internet)
Xu hướng đi chợ online dần trở nên phổ biến kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Một số sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki đã triển khai bán thực phẩm tươi sống trên sàn và thu nhận kết quả tốt. Trước đó, ứng dụng gọi món Now cũng tung ra dịch vụ đi chợ hộ với số lượng cửa hàng tiện lợi và siêu thị đối tác khá dồi dào. Nhưng hầu hết các ứng dụng trực tuyến chỉ hợp tác với nhà bán lẻ, cửa hàng tiện lợi hoặc nhãn hàng lớn mà bỏ quên chợ truyền thống. Các chuyên gia cho rằng, nếu có thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ tham gia mảng này thì mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số sẽ thực hiện nhanh hơn.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, đánh giá trong kỷ nguyên chuyển đổi số, những hộ kinh doanh siêu nhỏ bị bỏ lại đằng sau, nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp hay hiệp hội ngành nghề sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Grab đang đưa các chợ truyền thống lên ứng dụng của họ để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Sau khi thử nghiệm ở Đà Nẵng và Hà Nội, một số chợ truyền thống ở TP.HCM đang lên Grab. Những tiểu thương sẵn sàng ứng dụng kỹ thuật số, có đầy đủ giấy phép kinh doanh và các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đưa lên ứng dụng.
GrabMart đang mang đến lợi ích thiết thực cho gần 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM, bao gồm chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Ngọc Khánh, chợ Hữu Tiệp, chợ Linh Lang, chợ Cống Vị, chợ Bưởi (Hà Nội); chợ Hàn, chợ Cồn (Đà Nẵng); chợ Hòa Hưng, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Mỹ, chợ Tân Bình (TP.HCM). Grab Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trước cuối năm 2021.
Còn đó những khó khăn trong quá trình đưa chợ truyền thống lên mạng
Một số chủ sạp hàng lâu năm vốn quen hình thức “tiền trao cháo múc” nên khá e dè khi nhận tiền vào tài khoản ngân hàng vì 75% thanh toán trên GrabMart đều không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, còn những trở ngại như nhiều người không quen dùng điện thoại thông minh cũng như các ứng dụng, không biết vận hành mua bán trên app, thiếu kinh nghiệm tiếp cận công nghệ.
Khâu quản lý chất lượng sản phẩm, quy trình đổi trả hàng hóa, trang bị giấy tờ kinh doanh cần thiết... cũng là những vấn đề cần tháo gỡ kịp thời.
Khi một chợ truyền thống có khoảng 20 tiểu thương lên ứng dụng, phía Grab cho biết sẽ có người ở tại chợ, thu gom đơn hàng đưa ra cho nhân viên giao hàng, để shipper không cần phải tự mình vào chợ.
Trên thực tế, tiểu thương ở các chợ ít bán hàng online bởi đa phần mặt hàng phù hợp với mua bán trực tiếp. Nhiều sạp thường bỏ mối thịt cá, rau xanh, thực phẩm đồ khô… cho trường học, bệnh viện nên không có nhu cầu bán hàng online. Trong khi đó, một số cửa hàng kinh doanh quần áo, đồng hồ, kính thời trang… có mở kênh online nhưng hiệu quả không cao, ít khách mua. Nguyên nhân một phần do tiểu thương ở chợ không thể cạnh tranh với dân bán hàng online chuyên nghiệp theo kiểu livestream trực tiếp, chủ yếu chụp hình sản phẩm và đăng lên mạng kèm thông tin giá cả nên kém hấp dẫn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo