Kinh tế thế giới đối mặt 5 rủi ro lớn
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã bước sang năm thứ tư, song kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với vô số thách thức, đối mặt với rất nhiều nhân tố không xác định. Theo nhiều chuyên gia quốc tế, trong số đó, có 5 rủi ro lớn hết sức đáng lưu ý.
Một là rủi ro tụt dốc của kinh tế thế giới tiếp tục tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là chu kỳ kinh tế và chu kỳ chính trị của nhiều nước chồng lên nhau, thiếu kỹ thuật và ngành nghề dẫn đường, tăng trưởng kinh tế phổ biến suy giảm tốc độ, dẫn tới tăng trưởng mậu dịch quốc tế mất lực.
Nhiều chính phủ bị liên lụy bởi khủng hoảng tài chính thế giới và khủng hoảng nợ công, rầm rộ thực thi “chính sách kinh tế chủ nghĩa yêu nước”, dẫn tới sự thịnh hành của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Một số nước phát triển chịu sự tác động của chiến lược phát triển của tình hình trong nước, không có đủ mong muốn chính trị trong việc cứu trợ bên ngoài, trực tiếp ảnh hưởng tới việc thực thi thuận lợi chiến lược phát triển của nhiều nước đang phát triển.
Do chịu sự ràng buộc của các nhân tố kỹ thuật, thị trường và kết cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi bị chậm lại rõ rệt. Giá cả các mặt hàng chủ lực không ngừng biến động mạnh, làm tăng tính không xác định đối với sự phát triển của các nước phụ thuộc tài nguyên, đồng thời làm tăng giá thành sản xuất của các nước nghèo tài nguyên.
Mậu dịch quốc tế trong thời gian dài đã tạo thành động lực chính của phát triển kinh tế thế giới, song do chịu ràng buộc của nhiều nhân tố, lợi ích của các nước trong lĩnh vực kinh tế thế giới khó cân bằng, vòng đàm phán Doha mới sẽ gặp phải trở lực càng lớn, xã hội quốc tế liệu có thể cứu vãn Doha hay không, viễn cảnh cực kỳ u ám.
Hai là nhiều nước đối mặt áp lực lạm phát. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính đến nay, các nước phát triển đua nhau đưa ra các chính sách nới lỏng định lượng nhằm kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đa số những thứ này không hề đi vào lĩnh vực sản xuất, mà lại đi vào thị trường tài chính, rồi từ đó chảy vào thị trường cổ phiếu, thị trường bất động sản của các nền kinh tế mới nổi và thị trường hàng hóa chủ lực quốc tế, thổi phồng bong bóng tại những nơi này, gia tăng áp lực lạm phát quốc tế.
Trải qua một thời gian khá dài tăng trưởng nhanh về kinh tế, vấn đề mang tính kết cấu ở các nước mới nổi (như hỗ trợ kỹ thuật, nâng cấp ngành nghề, quá dựa vào thị trường quốc tế…) dần dần phình to ra.
Giá cả các mặt hàng chủ lực trên thị trường quốc tế tăng mạnh, cạnh tranh và cung ứng tài nguyên ngày càng căng thẳng, dẫn tới nhiều nước rơi vào tình trạng chịu áp lực kép về thiếu lực tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Ba là xu thế tăng trưởng kinh tế nhanh của các nước mới nổi khó có thể tiếp tục. Từ khi khủng hoảng tới nay, các nước mới nổi mà đại diện là Trung Quốc đã duy trì được thế tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trở thành động lực chính lôi kéo kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng và suy thoái.
Tuy nhiên, một số nước chủ yếu dựa vào tài nguyên và năng lượng thực hiện chiến lược phát triển, một số nước chủ yếu dựa vào kinh tế thô để phát triển, một số nước lại chủ yếu dựa vào thị trường các nước phát triển để duy trì phát triển.
Trên thực tế, sự tràn bờ của cuộc khủng hoảng tài chính, sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế, sự thắt chặt thị trường ở các nước như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang trở thành ba nhân tố không xác định lớn đối với viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi.
Gần đây, các nước liên quan có ý đồ mở rộng quan hệ mậu dịch nội bộ khu vực, song các cơ chế hợp tác mật thiết kinh tế và mậu dịch này lại thiếu hỗ trợ kỹ thuật, hiệu ứng chính sách không như mong đợi.
Bốn là quản trị toàn cầu khó hình thành hợp lực. Toàn cầu hóa kinh tế đã liên kết các nước thành một “làng trái đất”, đồng thời cũng mang lại cho các nước nhiều thách thức. Cuộc khủng hoảng lần này đã làm phình to hơn nữa những thách thức và vấn đề nói trên, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thực sự tạo ra cơ chế quản trị toàn cầu để đối phó với thách thức chung, giải quyết các vấn đề chung, mưu cầu lợi ích phát triển chung.
Tuy nhiên, chu kỳ chính trị và chu kỳ kinh tế của các nước không giống nhau, giai đoạn phát triển cũng khác nhau, vị trí hiện nay trong cơ chế quản trị toàn cầu cũng khác nhau, do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến trình quản trị toàn cầu, gia tăng độ khó cho quản trị toàn cầu.
Năm là kinh tế ít cácbon đã nâng cao “ngưỡng cửa” phát triển của các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng lần này đã đưa vấn đề kinh tế ít cácbon vào chương trình nghị sự của chính phủ các nước. Đây sẽ là một cuộc cách mạng kinh tế mang tính toàn cầu liên quan tới sự sản xuất, sinh hoạt và trao đổi của các nước trên thế giới.
Xét hiện nay, kinh tế ít cácbon, từ nhiều lĩnh vực như kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm và thuế cácbon, sẽ gia tăng độ khó cho các nước đang phát triển thực thi chiến lược phát triển, nâng cao giá thành điều chỉnh kết cấu kinh tế của các nước đi sau, trói buộc không gian của mậu dịch đối ngoại.
Về triển vọng, các nước đang phát triển không chỉ phải tiếp tục đối phó với các thách thức của công nghiệp hóa, mà còn phải đối mặt với áp lực to lớn đến từ kinh tế ít cácbon, khó khăn sẽ ngày càng nhiều.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo