Kinh tế Trung Quốc ẩn chứa rủi ro
Các chuyên gia thân cận chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng nhà lãnh đạo sắp tới của nước này, nhiều khả năng là ông Tập Cận Bình, sẽ phải thúc đẩy cuộc cải cách đang đình trệ nếu ông không muốn đối mặt với những bất ổn kinh tế, tình trạng náo động (trong dân chúng) và thậm chí là khủng hoảng.
Bằng giọng điệu khẩn cấp và thẳng thắn, những cảnh báo trên được công khai cả trong nội bộ đảng và ngoài công chúng, phản ánh một cuộc tranh luận về định hướng của ban lãnh đạo mới chuẩn bị tiếp quản quyền lực trong tháng tới.
“Mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ẩn chứa nhiều rủi ro” là nhận định trong một báo cáo từ trang web Strategy and Reform (Chiến lược và Cải cách) của một trong số những nhóm chuyên gia chiến lược của Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia tư vấn, bao gồm các học giả, giám đốc doanh nghiệp, cố vấn chính sách và một số quan chức chính phủ, suốt năm nay đã liên tục đặt câu hỏi với các quan chức có trách nhiệm vạch kế hoạch chi tiết cho thập niên cầm quyền sắp tới của lãnh đạo mới.
Theo hãng tin Reuters, báo cáo của nhóm chuyên gia này còn cho rằng “thập niên tới sẽ là cơ hội cuối cùng để Trung Quốc theo đuổi cải cách một cách chủ động và chúng ta nên nắm lấy thời cơ này”.
Đại hội đảng Trung Quốc sẽ nhóm họp vào tháng tới và ông Tập Cận Bình được xem là nhân vật thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong vai trò lãnh đạo cao nhất.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ tăng trưởng hằng năm thấp nhất trong vòng ít nhất là 13 năm trở lại đây, trong khi những căng thẳng xã hội, như sự giận dữ vì tham nhũng tràn lan, chiếm đoạt đất đai và những nhu cầu về phúc lợi xã hội chưa được đáp ứng đã khuấy động các cuộc phản đối.
“Những mâu thuẫn về kinh tế và xã hội của Trung Quốc dường như đang đến gần ngưỡng giới hạn” - giáo sư kinh tế nổi tiếng Trung Quốc Ngô Kính Liễn lưu ý trong một cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Tài Kinh.
Những người ủng hộ cải cách đang thúc giục ông Tập Cận Bình cắt bỏ những đặc quyền dành cho các doanh nghiệp nhà nước, tạo thuận lợi cho người di cư từ nông thôn lên các thành phố ổn định cuộc sống, chỉnh sửa hệ thống tài khóa nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng đất đai của các chính quyền địa phương.
Hầu hết những người đề xuất nói với Reuters rằng cải cách chính trị phải bắt đầu từ cơ sở. Họ gọi dân chủ hoàn toàn là một ý tưởng xa vời hoặc không thực tế.
Đặng Duyệt Văn, biên tập viên của Study Times, tờ báo của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho rằng “bạn không thể giải quyết tất cả những vấn đề này trong một thập niên nhưng bạn có thể chuyên tâm vào những cải cách mà người dân bình thường thấy cần thiết và hãy chứng tỏ bạn đang đi đúng hướng”.
Mới đây, ông trở nên nổi bật sau khi mạnh dạn chỉ ra những cơ hội trôi qua trong cuộc cải cách và nói rằng những người kế vị Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải chuyển động nhanh hơn.
Ông Đặng viết trong một cuốn sách tiếng Hoa mới xuất bản về chủ đề cải cách: “Hai hoặc ba năm nữa và hầu hết nhiệm kỳ chính trị tới sẽ là một giai đoạn quyết định đối với sự phát triển của Trung Quốc”.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn tương đối mạnh khỏe với tăng trưởng 7,6% trong quý II song những người ủng hộ cải cách tỏ ra lo lắng về triển vọng phát triển dài hạn.
Hai công ty Trung Quốc bị “tố” ở Mỹ
|
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo