Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo
Theo nhận định của Reuters, mặc dù kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng chính phủ nước này vẫn cần sử dụng nhiều hơn các biện pháp kích thích trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụp đổ trong những ngày gần đây.
Reuters cho rằng, năm nay là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lĩnh vực thương mại, đầu tư và nhu cầu nội địa tăng trưởng chậm; trong khi đó lĩnh vực bất động sản suy giảm, áp lực giảm phát, và gần đây nhất là tình trạng thị trường chứng khoán hoảng loạn. Tuy nhiên, dữ liệu GDP quý II vừa qua cho thấy những tín hiệu cải thiện có thể giúp thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư vào các biện pháp hỗ trợ chính sách của chính phủ.
Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters từng dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ ở mức 6,9% trong quý II/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng 7% ghi nhận trong một quý trước đó.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, tính theo quý, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 1,7%, tăng so với mức 1,4% ghi nhận trong một quý liền trước. Dữ liệu hoạt động hàng tháng, được đưa ra cùng với báo cáo GDP quý II, cũng đã vượt dự báo, trong đó sản lượng nhà máy đạt mức cao nhất trong 5 tháng.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, những thay đổi, trong đó có các điều kiện việc làm tốt hơn dự báo, đã ghi nhận những chuyển biến bước đầu, tuy nhiên chính phủ Trung Quốc cần phải thực hiện nhiều bước đi hơn nữa để củng cố đà phục hồi.
“Chúng ta phải hết sức lưu ý rằng, môi trường kinh tế trong và ngoài nước hiện vẫn phức tạp, và đà phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn chậm chạp và quanh co”, tuyên bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc có đoạn viết.
Dữ liệu công bố hôm 14/7 cho thấy, hoạt động cho vay ngân hàng tại Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 6, nhờ vào sự hỗ trợ của NHTW. Tuy nhiên, lượng tín dụng mới chảy vào nền kinh tế thực sự hiện chưa rõ ràng.
Dù vậy, dữ liệu công bố hôm 15/7 cho thấy, đầu tư tài sản cố định đã tăng với tốc độ thường niên 11,4% trong 6 tháng đầu năm nay; trong khi đó sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng nhanh 6,8%. Doanh số bán lẻ cũng ghi nhận đà tăng nhanh 10,6%.
Một số người đã đặt câu hỏi về tính xác thực của các dữ liệu chính thức mà Trung Quốc công bố gần đây. Họ cho rằng, những số liệu này không phù hợp với các tín hiệu yếu kém của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là số liệu lạm phát. Song, hôm 14/7, Tổng cục Thống kê Trung Quốc khẳng định, dữ liệu tăng trưởng là chính xác và bác bỏ quan điểm rằng số liệu này đã bị thổi phồng.
Nếu năm nay kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7%, đây sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 1990. Kể từ tháng 11 năm ngoái, NHTW Trung Quốc đã 4 lần cắt giảm lãi suất, với lần gần nhất vào ngày 27/6.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc còn bị phủ bóng đen bởi những diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán. Trong vài tuần qua, giới đầu tư vào thị trường Chứng khoán trị giá 6,8 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã lâm vào cảnh hoảng loạn sau khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc không phanh. Chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 30% trong 4 tuần tính đến 8/6, khiến giá trị vốn hóa thị trường bốc hơi gần 4.000 tỷ USD. Những biện pháp can thiệp thị trường chưa có trong tiền lệ của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy thị trường đã không lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cho đến khi các nhà chức trách ban hành lệnh cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng và cho phép trên một nửa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán ngừng giao dịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh