Kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn đặc biệt
KTTN được xem là có đóng góp và sử dụng vốn hiệu quả nhất nhưng lại đang có dấu hiệu kiệt quệ đi.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo gửi Chính phủ, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn đặc biệt. Hiệu quả kinh doanh của nhóm 100 doanh nghiệp có tổng tài sản nhỏ hơn 100 tỉ đồng mà Ủy ban nghiên cứu liên tục suy giảm kể từ năm 2008 đến nay.
Cụ thể, chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) và ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) của 100 doanh nghiệp này suy giảm liên tục từ mức tương ứng trên 4%, và 2% tháng 6/2008, xuống còn -2%, và -1% vào tháng 6/2014.
Trong tháng 10, nợ đọng thuế của doanh nghiệp tăng 12,9% so với cuối năm 2013, TBKTSG dẫn số liệu báo cáo cho biết.
Ủy ban cho rằng, về trung hạn đầu tư tư nhân sẽ vẫn hạn chế khi tín dụng khó tăng cao do: tổng cầu thấp; doanh nghiệp còn khó khăn về năng lực tài chính; thị trường bất động sản phục hồi chậm ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp; và mặt bằng lãi suất còn cao so với mức lạm phát kỳ vọng.
Dù khu vực KTTN vẫn được đánh giá là khu vực dẫn đầu về hiệu quả sử dụng vốn nhưng khu vực này lại đang gặp phải những khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ 2000-2010, hiệu quả đầu tư từ tổng số tiền bỏ ra trong năm (hệ số ICOR) tại Việt Nam là 6,07 (nghĩa là để tăng 1 đồng GDP cần bỏ ra 6,07 đồng vốn).
Hệ số này thuộc vào loại thấp nhất thế giới, chủ yếu là do đầu tư kém hiệu quả của khu vực nhà nước (8,53) và khu vực đầu tư nước ngoài (9,65). Trong khi đó, khu vực KTTN tỏ ra rất hiệu quả khi bỏ ra 3,28 đồng vốn đã tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm.
Khu vực KTTN cũng đóng góp nhiều nhất vào GDP và tạo ra việc làm nhiều nhất, xấp xỉ 50% GDP và gần 90% số lao động. Thế nhưng, khu vực này hầu như không được hưởng ưu đãi nào, chưa kể những bất cập về chính sách, các cơ quan hành chính gây khó dễ, cơ chế xin - cho gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam vào cuối tháng 11-2010, giáo sư Michael Porter (Mỹ) khẳng định: "Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu trong phát triển nền kinh tế, Nhà nước phải nhìn nhận nó như là một tài sản cực kỳ quan trọng. Và, nếu không dẫn đầu thì tối thiểu khu vực tư nhân cũng phải là người tham gia cực sâu trong quá trình phát triển kinh tế”.
Song tại VN khu vực KTTN vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Theo báo cáo của cơ quan thống kê, trong 10 tháng đầu năm nay, đã có trên 60.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và 13.000 doanh nghiệp sau một thời gian khó khăn buộc phải ngừng hoạt động nay đã trở lại thương trường.
Nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. 10 tháng đầu năm đã có thêm gần 54.000 buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Theo Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo