Thị trường

Kinh tế Việt Nam: Chờ đợi “cú nhảy vọt lịch sử"

Những khó khăn đang phải đối mặt khiến Việt Nam ngày càng"hụt hơi" trong việc bắt kịp tốc độ phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.Tuy nhiên, nếu nỗ lực, kinh tế Việt Nam chưa hết hy vọng cất cánh.

 

 
Tăng trưởng chuyển động ngược chiều
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,4% và là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2000. Nghiên cứu của GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế quốc dân đánh giá: Từ năm 2008 đến nay là thời kì có nhiều xáo động về kinh tế vĩ mô do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam không chỉ suy giảm về tốc độ tăng trưởng mà đã bộc lộ rõ những yếu kém và bất ổn, thể hiện ngay từ sự lúng túng, bất cập trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô...
 
Diễn biến này báo hiệu tình trạng suy giảm và trì trệ kéo dài. Ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt dưới 6%, không đạt mục tiêu đề ra là 7%.
 
Đánh giá tại một hội thảo về nửa chặng đường phát triển kinh tế 2011-2015 vào tháng 9-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận: “Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì tại Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang ngày một cách xa”.
 
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho rằng: Cần đưa nền kinh tế quay trở lại tăng trưởng cao và bền vững. Mấy năm nay tăng trưởng giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, từ đó tụt hậu ngày càng xa hơn về thu nhập bình quân đầu người so với các nước xung quanh. Chúng ta có tăng trưởng năng suất tương đối cao so với tỉ lệ các nước nhưng tăng trưởng tuyệt đối giành được vẫn thấp hơn các nước.
 
Mặt khác, năng suất lao động hiện nay rất thấp, chỉ bằng 12-13% của Nhật Bản, 35% của Thái Lan, 54% Trung Quốc, bằng một nửa Indonesia. Rõ ràng để tạo ra "bước vọt" về kinh tế, chúng ta đang rất yếu. Chúng ta tự hào khi giai đoạn 1995-2007 tăng trưởng 7,5%/năm. 
 
Nhưng mức tăng trưởng đó chỉ duy trì được 10 năm trong khi các nước khác có tới 30 năm liền tăng trưởng cao hơn nữa. Điều này cho thấy Việt Nam còn rất lâu nữa mới sánh được với nhiều nước trong khu vực.
 
Còn cơ hội phát triển
 
Trên thế giới hiện nay, các nước đang phát triển chiếm số đông và không ít nền kinh tế vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn do tình trạng kém phát triển, đời sống dân cư thấp, nạn đói, mù chữ, bệnh tật dày vò cuộc sống con người. Nhưng cũng đã có không ít những tấm gương phát triển kinh tế thần kỳ, nhanh chóng vươn lên đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển về nhiều mặt chỉ trong vòng vài ba thập kỷ. Điển hình nhất trong số này phải kể đến Hàn Quốc, Singapore… trong những thập niên cuối thế kỷ XX và nước Trung Quốc hiện đại (từ khi cải cách mở cửa đến nay).
 
Vậy Việt Nam có khả năng làm nên một điều kì diệu nữa hay không khi hiện tại nền kinh tế đang đầy khó khăn? Những yếu kém như tảng đá nặng níu giữ Việt Nam cất cánh đã được giới nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước chỉ ra rõ ràng từ nhiều năm qua như thể chế yếu kém, tăng trưởng thiếu chiều sâu, nguồn lực phân bổ dàn trải... GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách quốc gia Nhật Bản đã cảnh báo mạnh mẽ rằng: Nếu không khắc phục những yếu kém, Việt Nam có thể sẽ mãi ở mức thu nhập trung bình và không thể công nghiệp hóa theo đúng nghĩa.
 
Tuy nhiên, vẫn còn có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thay đổi tình thế.  Không phải ngẫu nhiên, mới đây Ngân hàng ANZ dự đoán năm 2050 sự cất cánh kinh tế của châu Á sẽ chịu sự chi phối của 10 nền kinh tế chính ở châu Á. Việt Nam là 1 trong số 10 nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến cả châu Á lẫn nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan.
 
Theo TS Trần Đình Thiên, Việt Nam có các điều kiện cần để thực hiện "cú nhảy vọt lịch sử" để rút ngắn khoảng cách phát triển, tiến kịp thế giới. Dù không thể sốt ruột, nhưng yêu cầu về thời gian tận dụng thời cơ lại rất khắc nghiệt. Cho nên cần định rõ lộ trình tận dụng thời cơ để tiến vượt bằng lộ trình công nghiệp hóa đến năm 2020 gồm 2 bước. Bước 1 ráo riết chuẩn bị các điều kiện và năng lực, chuẩn bị điều kiện cất cánh. Bước 2 bùng nổ phát triển, cất cánh và tăng tốc.
 
TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: Các phân tích kinh tế gần đây cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được thành công như những nền kinh tế trong khu vực đã biến thành Các nước công nghiệp mới - (NICs) một khi xây dựng được một thể chế hỗ trợ phát triển. Một trong những cơ sở tiền đề ấy là kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn.
 
Thời gian vừa qua, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao trên thế giới. Nếu so với một số nền kinh tế có tỷ lệ đầu tư thấp hơn nhưng tăng trưởng khá cao thì có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nếu cải thiện được hiệu suất đầu tư.
 
Cùng quan điểm này, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng: Hiện tại Việt Nam phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại. 
 
Do đó mục tiêu chính sách quan trọng nhất là cần tạo ra đà tăng trưởng mới mà không phụ thuộc đơn thuần vào mở rộng số lượng đầu vào lao động, số lượng DN, cơ hội thương mại, đầu tư trong nước, FDI, ODA hay dòng tài chính. Các yếu tố đó cần chuyển dịch từ việc dựa trên số lượng để hướng tới tăng trưởng dựa trên chất lượng.
Theo Báo hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo