“Cởi trói” nguồn lực đất đai và những băn khoăn nơi nghị trường
Cơ cấu lại nền kinh tế: Đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo / Cơ cấu lại nền kinh tế phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ
Đất đai chính là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất quan trọng nhất thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Cũng chính vì vậy, trong mỗi giai đoạn phát triển, việc quy hoạch sửdụng đất đai có vai trò rất quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững.
Thực tế quy hoạch sử dụng đất đai vẫn chậm vì “lệch pha” với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ yêu cầu phải giảm độ trễ như lâu nay, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các uỷ ban của Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội đã quan tâm từ sớm, từ xa để Chính phủ khẩn trương chuẩn bị trình Quốc hội xem xét Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) ngay tại Kỳ họp thứ 2 của khóa mới, được nhận định là công phu, khoa học, toàn diện.
Qua hai phiên thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến, các ý kiến đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kì 2011-2020. Công tác này bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ bất cập, hạn chế cần khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu, có chỉ tiêu đạt dưới 50%. Do đó, cần tổng kết sâu sắc, đánh giá chính xác tổng thể thực trạng và lý giải nguyên nhân hạn chế trên để có sự điều chỉnh phù hợp là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Vì lẽ đó, nhiều nội dung cụ thể đặt ra cho giai đoạn tới được đại biểu Quốc hội băn khoăn, đặt vấn đề, tranh luận cũng như đề nghị phân tích, làm rõ, từ sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh và đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; việc phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; đề cao vai trò giám sát của nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến các chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất khu công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý... để “cởi trói” nguồn lực đất đai, phát triển nhanh và bền vững.
Đồng tình rằng bảo vệ đất trồng lúa góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu, song không ít đại biểu băn khoăn việc giữ hơn 3,5 triệu ha liệu có quá cao khi tiến bộ khoa học công nghệ giúp năng suất cao hơn trong khi cần chuyển đổi đất cho đầu tư dự án? Làm thế nào để hỗ trợ những địa phương gánh vai trò đảm bảo an ninh lương thực như ĐBSCL phát triển nhanh hơn để yên tâm giữ đất lúa vì “làm nông khó giàu lên lắm” hoặc “ly nông không ly hương”? Có nên trao quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích lớn hơn để chủ động, linh hoạt? Chế tài nào để đảm bảo không tuỳ tiện “đụng” vào đất trồng lúa?...
Hay chỉ tiêu liên quan đất rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), bài toán hài hoà giữa đảm bảo độ che phủ rừng 43%, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu với tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân cũng cần tính toán trong mối tương quan với các vùng. Có nên giảm diện tích đất phòng hộ ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ khi thiên tai và lũ lụt thường xuyên, làm thế nào để người dân sống được từ rừng; xử lý tồn tại, hạn chế đất thuộc các nông, lâm trường... được nêu ra, đề nghị cân nhắc.
Bên cạnh đó công tác dự báo, quy hoạch phải sát, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu trong thời gian tới, xử lý nghiêm hành vi trục lợi, tham nhũng. Sớm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích và nhất là không làm đảo lộn quy hoạch sử dụng đất quốc gia, giảm quy hoạch treo, giảm điều chỉnh quy hoạch, giảm khiếu kiện đất đai, giảm bức xúc của nhân dân về việc sử dụng đất không hiệu quả, lãng phí đất đai.
Đất đai luôn có mối quan hệ trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Do vậy việc quản lý và sử dụng đất đai bảo đảm phục vụ tốt cho yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài phải được phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tốt nhất. Và như lời Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, nếu không thay đổi mà vẫn tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc, quy hoạch không dựa trên tĩnh và động, phân ra các vùng và quy hoạch không dựa trên xác định cơ chế thị trường thì chúng ta đang “trói” nguồn lực đất đai.
Dự thảo Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp quốc giađược Chính phủ thực hiện đúng quy trình, tiếp cận đúng phương pháp, thảo luận sâu và đang được Quốc hội xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp