“Cởi trói” xuất khẩu gạo
Việt Nam nhập khẩu trở lại ngô và thức ăn gia súc từ Ấn Độ / "Mổ xẻ" Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, chuẩn bị cho giai đoạn mới
DN XK gạo sẽ được “cởi trói” với Nghị định mới.
Cải cách đột phá
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) - đơn vị xây dựng Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Nghị định được định hướng xây dựng nhằm đổi mới, hoàn thiện về thể chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh XK gạo và công tác điều hành XK gạo theo hướng xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi thông thoáng, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp (DN). Đồng thời thúc đẩy tiêu thụ, XK, nâng cao chất lượng gạo XK, tạo thuận lợi cho sản xuất, XK sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường…
Theo đó, Nghị định chính thức bãi bỏ quy định thương nhân XK gạo phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Thay vào đó, thương nhân chỉ cần có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo cũng như có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không giới hạn sức chứa hay công suất như trước đây. Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê với thời hạn tối thiểu 5 năm.
Các thương nhân XK gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được khuyến khích XK với quy định không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và không phải báo cáo theo quy định. DN chỉ cần xuất trình cho Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của văn bản xác nhận, chứng nhận hoặc chứng thư giám định gạo XK hợp pháp.
Nghị định cũng quy định, thương nhân tự kê khai hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã kê khai, về các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận XK gạo. Các cơ quan chức năng tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, sát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp giấy chứng nhận.
Kỳ vọng lớn
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp (DN) XK gạo. Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho hay, trên tinh thần kiến tạo, hành động, nhiều nội dung trong Nghị định này đã được sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của DN. Các nội dung mới trong Nghị định, đặc biệt là các nội dung khuyến khích XK các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo vi chất dinh dưỡng cũng phù hợp với nguyện vọng của DN và giữ lại được những nguyên tắc để quản lý.
Bốn năm nay, bình quân mỗi tháng, Công ty Cỏ May XK đi Singapore gần 20 tấn gạo hữu cơ các loại, rất ổn định về sản lượng và giá bán. Khi Nghị định 107 có hiệu lực vào tháng 10 tới sẽ tạo cơ hội cho công ty mở rộng thị trường và tăng sản lượng XK khi những điều kiện để XK gạo hữu cơ được nới rộng. “Để đón đầu Nghị định này, vào tháng 9 tới đây, công ty sẽ tới Mỹ tìm hiểu thị trường, đối tác và tiến tới XK vào quốc gia này” - ông Phạm Minh Thiện cho hay.
Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An đánh giá, Nghị định 107 về cơ bản là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN, kinh doanh XK gạo. DN không còn bị trói trong các ràng buộc về kho chứa hay cánh đồng lớn như trước đây mà thay vào đó họ phải thực sự là doanh nghiệp sản xuất, XK với những hợp đồng cụ thể.
Tại Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, trong bảy tháng đầu năm nay đã XK được hơn 20.000 tấn gạo, tăng khá so với cùng kỳ. Với Nghị định mới về kinh doanh, XK gạo, trong thời gian tới, công ty sẽ tự đánh giá năng lực và có những chiến lược hoạt động phù hợp hơn, tận dụng những ưu đãi của Nghị định.
Tuy nhiên, cùng với việc đánh giá cao những điểm mới của Nghị định, bà Đặng Thị Liên cũng băn khoăn về việc Nghị định mới này chưa quy định giá sàn về XK gạo. Điều này về lâu về dài có thể dẫn tới việc DN cạnh tranh không lành mạnh.
Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Văn Công – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Nghị định 107/2018/NĐ-CP mang lại hiệu quả kép khi giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, giúp DN sẽ không mất nhiều thời gian đi lại, giảm thời gian và chi phí. Chưa kể, nghị định hướng cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đẩy mạnh công tác hậu kiểm dựa trên cơ sở khai báo của các DN. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước.
Chưa kể, trước đây, Nghị định 109 chỉ xoay quanh 150 DN XK gạo, tuy nhiên Nghị định 107 mở rộng tất cả các đối tượng DN và sẽ tham gia vào các phân khúc, các chủng loại gạo khác nhau, việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn và là động lực cho DN tự nâng cao sức cạnh tranh của mình, chinh phục nhu cầu người tiêu dùng.
“Nghị định 107/2018/NĐ-CP với những quy định mới giúp giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy số lượng DN tham gia XK gạo sẽ giúp cho hạt gạo Việt vươn xa trên thị trường” – ông Trần Văn Công kỳ vọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển