Đắk Lắk: Thu nhập cao nhờ trồng cà tím Nhật Bản
Xây dựng quy trình kiểm soát dịch bệnh tại biên giới theo hướng giảm thiểu tác động XK / Lừa bán khẩu trang y tế qua Facebook chiếm đoạt 60 triệu đồng
Trước đây, gia đình anh Phan Xuân Hùng (thôn Đoàn Kết) có hơn 1 sào cà phê đã già cỗi, cho năng suất thấp. Sau khi tham quan mô hình trồng cà tím Nhật Bản của người dân trong xã, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ loại cây này, đến tháng 7/2019, anh quyết định chặt bỏ vườn cà phê, cải tạo lại đất và đưa vào trồng hơn 1.000 gốc cà tím. Sau 45 ngày chăm sóc, cây cà tím đã cho thu hoạch. Thời điểm rộ gia đình anh thu hái được 50-70 kg quả/ngày. Đến thời điểm này, anh Hùng đã thu hoạch và bán được hơn 3 tấn quả, với giá bán 7.000 đồng/kg, đem lại một nguồn thu đáng kể.
Anh Hùng cho biết, cà tím là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư ít (khoảng 5 triệu đồng/sào), mỗi lứa cà tím có thời gian thu hoạch từ 8 – 12 tháng tùy vào kỹ thuật chăm sóc của người trồng, mang lại lợi nhuận gấp 3 lần so với trồng cà phê. Được Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm, thu mua tại nhà nên người dân rất yên tâm sản xuất.
Tương tự, năm 2018, gia đình chị Trần Thị Duyên (thôn Liên Kết) đã chuyển 4 sào đất trồng cà phê già cỗi sang trồng 2.500 cây cà tím Nhật Bản xen 350 trụ tiêu. Cà tím được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật nên cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, năm đầu tiên gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng. Từ hiệu quả ban đầu, tháng 9/2019, gia đình chị tiếp tục gieo trồng vụ mới, hiện tại cà tím đang cho thu hoạch, trung bình chị thu hái được 2,5 tạ/ngày. Với giá bán 7.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị thu lãi hơn 1 triệu đồng/ngày.
Chị Trần Thị Duyên (thôn Liên Kết) chăm sóc vườn cà tím. |
Chị Duyên cho biết, để cây trồng cho năng suất và chất lượng cao, người trồng cần cày xới đất, trộn phân chuồng vào trong đất giúp tơi xốp, rồi tạo luống và phủ một lớp ni lông trên luống nhằm hạn chế cỏ dại và giữ được độ ẩm, trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên cắt bỏ lá già, cành và quả sâu, bón phân, phun thuốc định kỳ cho cây để phòng trừ sâu bệnh.
Xã Ea Tân hiện có 30 hộ dân trồng cà tím với tổng diện tích 7 ha , được Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải cung cấp cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón, kỹ thuật và thu mua sản phẩm.
Chị Dương Thị Thảo, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết, công ty đã thu mua cà tím của người dân được 3 năm nay, nhận thấy loại cây này rất phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, năng suất đạt 120 tấn/ha, cho quả to, bóng mượt, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sản phẩm thu mua được, công ty sẽ chế biến thành thực phẩm đông lạnh tiêu thụ trong và ngoài nước.
Để nguồn cung cấp không vượt quá nhu cầu tiêu dùng và ngược lại, công ty sẽ quy định diện tích trồng và ký kết hợp đồng trước với người dân về diện tích, giá cả, cung ứng vật tư nông nghiệp, đầu ra cho sản phẩm. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật của công ty. Nhờ vậy, cà tím đạt tiêu chuẩn VietGAP, có chất lượng và năng suất cao. Được biết, trong năm tới công ty sẽ tiếp tục liên kết với người dân trên địa bàn xã để mở rộng diện tích lên 10 ha, giúp người dân có thu nhập cao từ loại cây trồng này.
"Nhờ những thuận lợi trong sản xuất, mô hình trồng cà tím Nhật Bản đã tạo ra hướng chuyển đổi cây trồng mới, thay thế nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, bước đầu mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện kinh tế". Chị Phan Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tân |
End of content
Không có tin nào tiếp theo